Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP và trước đó là Nghị quyết 02/NQ-CP đã và đang được triển khai tích cực, tuy nhiên vẫn cần thêm các giải pháp mới để ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có vấn đề chống Đô la hóa.

Bộ này cho rằng chống Đô la hóa phải được tiến hành một cách toàn diện, đồng bộ; về lâu dài, cần coi giải pháp kinh tế, kỹ thuật là chủ đạo, các giải pháp hành chính là thứ yếu.

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 nhóm giải pháp xem xét triển khai trong thời gian tới.

**Thứ nhất, **cần thực hiện các biện pháp vĩ mô để tăng dự trữ Đô la Mỹ (USD); chủ động trong điều hành tỷ giá, tránh tăng tỷ giá quá mạnh gây kích thích tâm lý dự trữ USD; thực hiện đa dạng hóa ngoại tệ, tránh phụ thuộc vào USD; tiến tới mua bán ngoại tệ theo nhu cầu của người dân, sớm có chủ trương bán ngoại tệ cho người dân có nhu cầu chính đáng như du học, chữa bệnh, đi công tác…

Thứ hai, điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng tránh lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nhất là nguyên liệu đầu vào để hạn chế cầu USD.

**Thứ ba, **nâng cao chất lượng dịch vụ của các tổ chức tín dụng, mở rộng thêm các tiện ích gắn với việc giao dịch bằng tiền VND như dịch vụ thẻ, điểm thanh toán, cho vay tiêu dùng.

Thứ tư, có giải pháp thu hút triệt để ngoại tệ từ các doanh nghiệp, cá nhân, người Việt Nam ở nước ngoài khi mang ngoại tệ vào Việt Nam như mở thêm nhiều điểm thu đổi ngoại tệ tại các sân bay, cửa khẩu, khuyến khích tăng tỷ lệ quy đổi sang tiền VND với số lượng USD lớn.

Thứ năm, sửa đổi các văn bản và quản lý chặt chẽ việc niêm yết hàng hóa trong nước bằng VND, chẳng hạn ban hành một pháp lệnh.

Ngọc Hiệp(TH)