
Ảnh minh họa.
Đố kị đồng nghĩa với ghen tị, ganh tị hay ganh ghét là thói xấu của con người. Đó một trạng thái cảm thấy khó chịu trước thành công, danh tiếng của người khác.
Thói đố kị đã xuất hiện từ rất lâu. Ông cha ta đúc kết ra nhiều câu châm ngôn để mỉa mai như: “Con gà tức nhau tiếng gáy”, “Trâu buộc ghét trâu ăn”, “Ăn không được thì đạp đổ”, “Ghen ăn, tức ở”…
Thời gian gần đây, thói đố kị dường như phát triển rộng hơn, mức độ nguy hiểm hơn. Mạng xã hội liên tục có những câu chuyện về “GATO” (ghen ăn tức ở), “ném đá” khi thấy người khác có những suy nghĩ và hành động giỏi hơn người khác.
Đã có nhiều câu chuyện cười ra nước mắt về thói đố kị. Cơ quan nọ quy hoạch hai cán bộ ở vị trí chủ trì, cả hai đều đã được cấp trên cho đi đào tạo, luân chuyển rồi đều bố trí ở vị trí cấp phó. Sắp đến “giờ G” chọn người đứng đầu cơ quan thì một trong hai vị này ganh tị với người kia, thuê một cán bộ đã về hưu viết “tâm thư” đến cấp trên nhằm triệt hạ đối thủ của mình. Thế nhưng, “gậy ông lại đập lưng ông”, nhờ “trò bẩn” của vị này mà cả cơ quan đã nhận ra chân tướng của kẻ đố kị…
Không những chỉ đố kị với người tài hơn mình, giàu hơn mình, giờ đây có người còn đố kị với người có giải thưởng, có học hàm, học vị cao hơn mình, có vợ đẹp, con khôn hơn nhà mình... Thậm chí có người còn cấm cấp dưới nói chuyện hạnh phúc gia đình vì “chạm đến nỗi đau của tớ”.
Nguy hiểm hơn, có những người thể hiện lòng đố kị bằng cách lôi kéo người khác nói xấu sau lưng, tìm cách cản trở đồng chí, đồng nghiệp. Họ tỏ ra vui sướng trước thất bại của người khác; thậm chí lươn lẹo “quy chụp, biến báo” người tốt thành người xấu, tâng bốc mình lên để được cấp trên ưu ái…
Trong tập thể chỉ cần nảy sinh một chút lòng ganh ghét là nội bộ lủng củng, mất đoàn kết, mọi người không thể sống thân thiện, thoải mái, chân tình với nhau, nhân tài sẽ không có môi trường thuận lợi để phát huy tác dụng.
Thực tế, con người sẽ không từ bỏ được thói đố kị nếu không thể chiến thắng nổi bản thân. Để chiến thắng được bản thân, ngoài việc giáo dục, rèn luyện, cần phải có cơ chế ràng buộc, như việc kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Nhất là trong nhận xét, đánh giá, đề bạt, khen thưởng phải thật sự khách quan, dân chủ, công khai và đúng thực chất, không bao che, không ích kỷ hẹp hòi. Thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình, rà soát từ trong cấp ủy đến từng đảng viên, ai có biểu hiện đố kị, so bì, không muốn người khác hơn mình phải chấn chỉnh, chỉ rõ cho họ thấy để họ “tự soi”, “tự sửa”. Nếu không sửa được thì phải đưa ra khỏi đội ngũ.
Nhân dân đang kỳ vọng vào cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang diễn ra sẽ thải loại được những cán bộ có thói đố kị.
Đỗ Phú Thọ