CCB Phạm Khắc Hà (ngoài cùng bên phải) đang giới thiệu sản phẩm với khách hàng.
Tôi đến gặp CCB Phạm Khắc Hà vào ngày đầu đông Hà Nội, những cơn mưa phùn càng làm cho cái lạnh tê tái hơn, nhưng không vì thế mà ông Hà ngưng công việc của mình. Ông đang cần mẫn hướng dẫn cho từng người trong xưởng cách xe tơ để dệt lụa Vân, thấy có khách, ông nở nụ cười đôn hậu. Trò chuyện với tôi, ông Hà kể:

  • Năm 1971 tôi nhập ngũ. Sau 8 năm chiến đấu, tôi rời chiến trường trở về quê hương và đi học kỹ thuật cơ khí rồi công tác tại một nhà máy thuộc Bộ Cơ khí Luyện kim. Năm 1991 - thời điểm mà người người, nhà nhà ở làng tôi bỏ nghề, họ đua nhau bán máy dệt, gỡ bỏ khung cửi thì tôi lại trở về với nghề...

    Nhiều người bảo ông “có vấn đề”, bởi theo nghề chỉ thêm nợ. Sẵn có bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, quyết không lùi bước trước những khó khăn, vất vả, lại thêm truyền thống gia đình bao thế hệ sống bằng nghề dệt lụa nên ông luôn tâm niệm phải giữ lấy nghề.

Sau khi nghỉ việc ở nhà máy, ông Hà về vay mượn vốn, mua 5 máy dệt. Để có chỗ đứng trên thị trường và khẳng định vị thế của lụa Vạn Phúc, ông quyết định đầu tư, nâng cao tính năng công cụ sản xuất, kết hợp tìm hiểu thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm lụa tơ tằm truyền thống.

Nói đến Vạn Phúc, chúng ta nghĩ ngay đến lụa Vân, bởi trước đây, lụa Vân đã làm mưa làm gió trên thị trường. Lụa Vân mỏng, mềm, có cả hoa nổi và hoa chìm, sờ vào mang đến cảm giác mịn, mát tay. Đặc biệt, sắc màu lụa Vân biến đổi lung linh, đa chiều, đa sắc. Hoa nổi thì bóng mịn dễ nhìn thấy.

Theo ông Hà, trước đây để dệt lụa Vân, người thợ phải thao tác hoàn toàn thủ công với hai loại go dây và go võng thay cho một loại go dây như các loại lụa thường, bên khung dệt phải có 2 người. Sau một thời gian tìm hiểu cách thức dệt lụa Vân từ các vị cao niên trong làng, ông cùng một nghệ nhân khác là Nguyễn Văn Chính bắt tay phục dựng khung lụa Vân. Với khung dệt mới, lụa Vân giờ chỉ cần 1 người điều chỉnh khung, sản lượng làm ra tương đương với lụa thường.

Ngoài những sản phẩm, mẫu mã truyền thống lâu đời, ông Hà còn sáng tạo thêm các sản phẩm mới như lụa hoa dây mang đặc trưng riêng của cơ sở mình. Tấm lụa có màu sắc tươi đẹp, vừa mềm vừa nhẹ, sờ vào rất mát tay. Ông Hà vui vẻ nói:

  • Nếu xét trừu tượng thì lụa hoa dây ẩn chứa phần nào nét đẹp dịu dàng, đằm thắm của người phụ nữ Việt Nam, thuần khiết mà thanh nhã.

Hiện tại, ông đang nung nấu phục dựng lại nghề dệt gấm cổ truyền Vạn Phúc. Tuy biết rằng, việc hiện thực hóa ý tưởng này rất khó khăn, phải bỏ nhiều thời gian, công sức và tiền bạc nhưng với tình yêu nghề, ông quyết tâm sẽ thực hiện được.

Với những đóng góp tích cực trong lĩnh vực phát triển làng nghề truyền thống, năm 2013, ông vinh dự được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng Danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề truyền thống Việt Nam”. Năm 2015, ông được nhận Danh hiệu “Thương binh sản xuất, kinh doanh giỏi Thủ đô”.
Vũ Minh