Từ đầu năm 2019 đến nay, đoạn đường ngang dân sinh qua đường sắt tại đây đã có trạm barie điện tử, mặc cho tay đau nhưng ông Đông vẫn thỉnh thoảng ra để nhắc nhở người qua đường không liều lĩnh vượt khi barie điện tử đã đóng.
Đã hơn 13 năm vợ chồng người CCB già Bùi Tiến Đông (SN 1947, trú tại xóm 15, xã Nghi Kim, T.P Vinh, Nghệ An) hằng ngày cần mẫn ra đường ngang dân sinh cắt với đường sắt để gác tàu cho người qua đường để nhận lại những nụ cười, sự kính mến của người qua đường, nhất là với những người công nhân của Công ty sản xuất bật lửa gas cạnh đoạn đường tử thần này.
Tình yêu anh lính với cô thương binh
Những ngày đầu năm 2019, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của vợ chồng ông. Ngôi nhà nằm sâu trong con ngõ của xóm 15, cách không xa đoạn đường ngang dân sinh cắt qua đường sắt Thống Nhất Bắc - Nam tại km 314 + 550.
Ra mở cổng đón chúng tôi trong khi bàn tay phải của CCB Bùi Tiến Đông bị thương vẫn đang phải đeo dây. Thấy có khách đến, vợ ông là bà Tăng Thị Liễu (SN 1950) cũng vội vàng từ trong nhà chạy ra đon đả pha trà phụ chồng tiếp khách. Khi nghe chúng tôi nhắc đến việc vợ chồng ông bỏ công sức đi gác tàu ở đoạn đường ngang dân sinh gần nhà, ông cười tươi nói giọng hài hước:
- Tôi “nghỉ hưu” gần 2 tháng nay rồi. Một phần được ngành Đường sắt quan tâm nên mới lắp trạm barie tự động, một phần tôi vừa bị tai nạn xe máy chưa hồi phục.
Ông Đông sinh ra ở phường Đông Vệ, T.P Thanh Hóa. Đến năm 1970, đi bộ đội, vào chiến trường B5, bị thương, năm 1975 được chuyển về công tác tại Trung đoàn 105, QK4 đóng tại Nghệ An.
Những năm tháng ở đây, ông quen bà Liễu cũng là một cựu lính công binh tham gia chiến đấu ở mặt trận Lào về. Rồi hai người nên duyên vợ chồng năm 1976. Cũng từ đây ông lấy Nghệ An làm quê hương thứ 2 của mình. Năm 1981, sau phục viên ngày ngày ông đi làm thợ xây, bà đi buôn bán hàng lặt vặt, cùng nhau nuôi 4 người con.
- Hồi đó, bà nhà tôi bị sức ép của bom thường xuyên đau ốm, nằm viện suốt. Tôi đóng quân gần nhà bà ấy, cảm phục tinh thần chống chọi với đau đớn bệnh tật của bà mà đem lòng yêu lúc nào không hay. Giờ nhìn những mảng da thịt bị thiếu, lồi lõm trên cơ thể bà ấy do bom Mỹ gây nên mà tôi vẫn cảm phục bà - ông Đông chia sẻ.
Cái chết của cô gái trẻ và nỗi niềm người lính già
Mấy chục năm gia đình ông sinh sống ở đây cũng là ngần ấy năm nghe tiếng tàu hỏa chạy xình xịch, tiếng còi tàu hú inh ỏi mỗi ngày. Cũng ngần ấy năm ông cùng người dân nơi đây đã phải chứng kiến bao cảnh thê lương, người gần có, người xa có bởi những cái chết do tai nạn tàu hỏa gây ra.
Nhất là từ khi các công ty về đây mở nhà xưởng, công nhân tứ xứ đến làm lượng người đi qua tuyến đường ngang này càng nhiều hơn, những vụ tai nạn tàu hỏa vì thế mà cũng nhiều hơn. Nỗi ám ảnh đó khiến ông day dứt muốn làm người gác tàu, nhưng rồi cũng vì cuộc sống mưu sinh nuôi con cái nên mãi ông chưa thực hiện được. Đến năm 2005, khi các con ông đã có công việc, gia đình ổn định thì một vụ tai nạn thê lương nữa lại xảy ra.
- Lần đó, mới mùng 8 Tết, một cháu gái quê huyện Hưng Nguyên, Nghệ An xuống đi làm ở Công ty bật lửa gas. Một chút bất cẩn, khi cháu băng qua đường ngang cắt với đường sắt đúng lúc tàu chạy tới, cán cháu đến mức không còn nguyên vẹn. Tôi hay gặp cháu đi làm cùng các bạn. Con bé xinh xắn, mồm mép nhanh lắm, cứ gặp tôi là chào bác. Nhớ lại cảnh khi bạn bè cháu đi nhặt từng mẩu thi thể để khâm liệm cho cháu mà xót xa. Thế là từ hôm ấy tôi quyết định đứng ra gác đường tàu này.
Cũng từ hôm ấy sáng sáng bà Liễu dậy sắp áo mũ, nấu cơm cho chồng ăn sớm để kịp giờ ra gác đường tàu. Cứ thế ngày qua ngày, mưa cũng như nắng, nóng bức, cũng như giá lạnh, suốt hơn 13 năm ông, bà như cái máy cần mẫn lo cho nhau để đúng giờ ông ra gác tàu. Những hôm ông đi vắng hoặc ốm thì bà làm thay.
Bà Liễu nói thêm:
- Lúc đó, vợ chồng tôi cũng đã già, chỉ ở nhà giữ đứa cháu nhỏ. Hằng ngày thấy biết bao sinh mạng con người đã phải bỏ mạng nơi đây do không có gác chắn thì mình bỏ tý công ra cảnh báo mọi người khi có tàu qua thì có gì là to tát lắm đâu.
Ông Đông dẫn tôi ra xem chiếc “cột gác điện tử” mới được ngành Đường sắt lắp từ đầu năm 2019. Ông bảo:
- Cột gác điện tử, tiện nhưng không “nhạy” bằng người gác đâu, tôi vẫn cứ phải ra hỗ trợ thêm để nhắc nhở những người đi vội bất cần vượt qua cả trạm gác.
Tấm lòng của ông, bà được nhân dân quanh vùng cảm phục. Nhiều công nhân đi làm mang theo biếu ông, khi thì ấm trà ngon, khi thì tấm bánh, gói xôi. Những ngày lễ, Tết lại có người mang theo tặng ông, bà những bó hoa tươi thật đẹp. Còn Công ty sản xuất bật lửa gas gần đó thì hỗ trợ ông, bà một phần kinh phí. Ai có lòng cho gì, ông bà nhận thứ đó, chứ tuyệt nhiên không bao giờ đòi hỏi ai phải trả tiền công.
Nguyễn Xuân Hòa