Ghi chép của Minh Hằng
Đường vào xóm 6, thị trấn Bắc Sơn, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên gập ghềnh khó đi hơn chúng tôi tưởng. Đang là cuối mùa đông, các con suối trơ đá cuội, hai bên đường là đồi thấp lúp xúp sim, guột và nương chè cằn cỗi. Nhưng ở nơi đất cằn sỏi đá này có một người đàn ông dân tộc Sán Dìu đã đứng lên rũ bỏ chiếc áo nghèo nàn để khoác lên mình chiếc áo mới, chiếc áo triệu phú. Hơn nữa, người đàn ông đó còn nuôi khát vọng, vận động nhiều người cùng phấn đấu biến vùng đồi chó ăn đá gà ăn sỏi này trở thành một vùng đất trù phú, dũng cảm làm một cuộc đổi đời. Người đàn ông đó là một cựu chiến binh, đã từng 20 năm khoác trên mình tấm áo lính. Ông là Trần Bình Dưỡng, 60 tuổi, gốc vùng Phúc Thuận, nơi có đến 50% dân số là người dân tộc Sán Dìu.
Năm 1990, sau lễ hạ sao, Trần Bình Dưỡng nghỉ hưu trở về quê khi mới 40 tuổi. Về với gia đình ở xóm 6 này, anh đứng ngồi không yên khi chứng kiến cảnh ba con nheo nhóc, vợ làm lụng vất vả không kiếm nổi 100 nghìn/năm để nộp khoán. Là công nhân nông trường chè, vợ anh cũng như nhiều công nhân lúc đó được đơn vị giao khoán 1,2 ha đất đồi chè đã hết chu kỳ khai thác. Trên mảnh đất cằn khô đó, vợ chồng anh hết trồng hồng, mơ, mận, vải, lại quay về chè nhưng túng thiếu vẫn hoàn túng thiếu. Bởi trên 30 năm khai thác, nắng mưa bào mòn, độ màu của đất đã kiệt, chưa kể hoa trái đến kỳ thu hoạch buộc phải bán rẻ như cho. Đang loay hoay chưa biết “trồng cây gì, nuôi con gì” thì một buổi sáng cách đây 6 năm, Trần Bình Dưỡng coi trên ti vi thấy giới thiệu cây thanh long ruột đỏ. Theo thông tin của truyền hình thì loại cây này thuộc họ xương rồng, lai từ thanh long ruột trắng của Việt Nam và thanh long ruột đỏ của Mê-hi-cô, có khả năng chịu hạn rất tốt, giống cây có bán ở Viện Rau quả trung ương. Sau một đêm suy nghĩ, sáng hôm sau ông lẳng lặng bắt xe tìm về Viện Rau quả ở Gia Lâm (Hà Nội), dồn tiền mua được 8 mầm cây (2 gốc) mang về trồng theo hướng dẫn. Hai gốc thanh long trồng 6 năm trước đã trở thành “cây tổ” của vườn thanh long 200 gốc của ông hiện nay, nhưng lại đang là những gốc cho quả sung sức nhất trong tuổi đời 15 năm thu hoạch của loại cây này. Đi trong vườn thanh long đẹp như tranh vẽ, trong rét ngọt, những quả thanh long cuối vụ càng đỏ rực, nổi bật trên lùm lá xanh biếc, chúng tôi cảm nhận được sự cần cù chịu khó của người chiến sĩ năm xưa này.
Trên 2/3 diện tích đất được nông trường giao năm xưa giờ là 200 gốc thanh long ruột đỏ đang cho thu hoạch, mỗi cây cách nhau 3 mét. Điều lạ là trên đầu cây đều được “tròng” một chiếc lốp xe máy như người đàn bà đội khăn. Ông bảo, đó chính là mẹo hay ông học lỏm được, cho cây “đội khăn” như thế rồi vắt chéo các cành lên “khăn” để dinh dưỡng chảy dồn về ngọn, quả từ đấy sẽ ra rất sai.
Khi quả thanh long được ông Dưỡng bổ ra, chúng tôi ồ lên ngạc nhiên vì lần đầu tiên nhìn thấy loại thanh long ruột đỏ rực, lấm tấm hạt đen rất đẹp. Vị của quả cũng đặc biệt: thơm nhẹ, ngọt dịu và mát như ướp trong tủ lạnh.
Sáu năm gắn bó với thanh long, điều ông Dưỡng tâm đắc nhất là cây dễ tính, chịu hạn, sống khỏe trên vùng đất đã hết chất màu, cây lại ít sâu bệnh. Nhưng thuyết phục hơn là giá trị kinh tế: mỗi năm ít nhất một cây cho 15kg quả, với giá bán hiện nay là 15 nghìn/kg, 200 gốc thanh long của gia đình ông có thể đem về cho gia đình ông khoản thu từ 40 đến 50 triệu đồng/năm. Ông Dưỡng làm một phép tính so sánh với cây vải. Ông Dương nói, cây thanh long ưu thế hơn hẳn vì thu hoạch rải rác 6 tháng/năm, quả hái về có thể để hàng chục ngày, mang đi xa không sợ dập nát. Chưa kể, loại thanh long này vỏ và ruột đỏ đẹp, ngon, tốt cho sức khỏe, quả nhỏ (khoảng 3 quả/kg), thích hợp làm quà tặng. Với ưu điểm nổi trội như vậy nên từ khi được thu hoạch đến nay ông Dưỡng chưa bao giờ phải mang thanh long đi bán. Để ý ở chợ thành phố cũng như các chợ huyện, cũng chưa thấy bán loại quả này.
Nhưng điều ông Dưỡng băn khoăn nhất là sự “lan truyền” giống cây ưu thế này chưa mạnh, dù ông đã trình bày ở nhiều cuộc họp để rủ rê người khác cùng làm.
- Tôi khẳng định cây thanh long này sẽ là “điểm dừng” trong quá trình tìm kiếm “cây gì, con gì” của nông dân nhiều nơi hiện nay. Nếu một triệu người Thái Nguyên mỗi năm chỉ ăn 1 kg thanh long thôi thì chúng ta phải có vài nghìn vườn cây như của tôi. Nếu Phúc Thuận có vùng thanh long, tôi sẽ không phải bán nhỏ lẻ mà có thể xuất hàng xe tải đến các chợ, các siêu thị trong cả nước.
Giờ thì diện tích đất bạc màu đã cho gia đình ông lợi nhuận vài chục triệu đồng/năm. Ông đã trở thành triệu phú vườn đồi, gia đình đã có của ăn, của để và ấp ủ làm nhiều việc lớn khác. Hiện ông đang ươm khoảng 6.000 mầm cây để mở rộng diện tích và cung cấp cho bà con trong vùng. Sắp tới, toàn bộ diện tích đất cằn của gia đình ông sẽ phủ kín thanh long ruột đỏ. Ngoài ra ông còn dự tính nuôi khoảng 600 đến 1.000 con gà đồi để lấy phân bón cho cây… Xem ra đôi mắt người lính cũ quả có tầm nhìn xa.
Rời xóm 6, thị trấn Bắc Sơn, lòng chúng tôi xốn xang niềm vui và trăn trở. Cây thanh long ruột đỏ có trở thành cây mũi nhọn của nông dân hay không, điều đó còn phải có thời gian, nhưng thanh long đã làm gia đình ông Trần Bình Dưỡng “đổi đời” thì đã là sự thật. Sáu năm là khoảng thời gian khẳng định sự lựa chọn và hướng làm kinh tế của người đàn ông dân tộc Sán Dìu, người CCB này là đúng đắn.
M.H