Cuộc thi đua ngựa được tổ chức khá chu đáo và có luật lệ từ rất lâu đời. Sân đua ngựa được coi là sân quần ngựa nằm trên một khoảng đất rộng trước đình làng Lý Cốt (xã Phúc Sơn) tại chùa Thú (xã Việt Lập), làng Khủa (xã Tân Trung)… sân quần ngựa là một con đường rộng chạy xung quanh một quả đồi. Trên đường đua có đặt các cây tre bắc ngang cao bằng đầu ngựa làm chướng ngại vật để ngựa không vượt qua. Vào cuộc thi, ông Cai đám tiến vào điểm xuất phát có đặt hương án và cắm cờ. Ông thắp hương làm lễ tuyên bố lý do, rồi bắt đầu nổi trống, đốt pháo. Mỗi lần đua ngựa có hai “kỵ sĩ” tham gia. Cả hai kỵ sĩ đều quần áo nai nịt gọn gàng, chít khăn, ngang sườn thắt bao. Sau tiếng pháo nổ, hai chàng kỵ sĩ thúc ngựa lao vào trường đua. Đến gần tới đích người dự thi cúi rạp mình xuống, thúc ngựa vượt qua chướng ngại vật. Ngựa nào nhanh hơn lại không làm rơi chướng ngại vật thì thắng cuộc. Trong dân gian còn lưu truyền câu hát:
Tiếng đồn chùa Thú vui thay
Bên kia Hương Hậu, bên tây câu cần
Có đường quần ngựa mùa xuân
Thi diều, đốt pháo thôn dân tưng bừng
Cách thức tổ chức đua ngựa ở làng Lý Cốt (xã Phúc Sơn) có phần hơi khác. Đua ngựa chỉ là một phần, thậm chí là màn mở đầu. Phần hai bắn cung mới là hoạt động chính. Sân quần ngựa ở đây là một bãi đất rộng. Trên đường đi về đích có ba cái nia được quét vôi trắng tinh. Ở giữa nia vẽ một cái vòng tròn nhỏ bằng mực đen. Chôn ba cây tre cao treo ba cái đích ấy lên tận đỉnh ngọn. Mỗi tốp có ba kị sĩ ăn mặc gọn gàng, cưỡi ngựa, đeo cung tên, xếp hàng sẵn sàng chờ lệnh. Vừa dứt tiếng pháo nổ, ba kỵ sĩ phi ngựa quanh sân đua một vòng. Khi cách đích chừng 40m (có vạch vôi làm dấu) họ dừng ngựa và bắt đầu bắn cung. Nếu bắn trung tâm cả ba lần thì được giải cao. Nếu bắn trúng hai thì giải khuyến khích (không có giải nhì, giải ba). Kết thúc cuộc đua, ông cai đám trao giải bằng cách quấn vuông nhiễu đỏ vào người được giải, rồi trao cho anh ta một đồng bạc, một bánh pháo và một gói chè.
Giải thưởng “nhỏ” thế thôi nhưng lễ hội đã tồn tại từ thời các ông đề Ngôn, đề Trần, nghĩa quận Yên Thế đề xuất và tổ chức mà thành lệ. Có năm thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám cũng về dự hội.
Đức Vượng