Hội nghị khẳng định lại tầm quan trọng về mặt kinh tế và chiến lược của TPP trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên, tạo thêm cơ hội cho người lao động, các gia đình, nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Các Bộ trưởng nhất trí giao cấp kỹ thuật nghiên cứu các kịch bản phù hợp để nhanh chóng đưa Hiệp định vào thực thi, trong đó bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia của các nước ký kết ban đầu. Các Bộ trưởng yêu cầu các Trưởng đoàn xúc tiến việc chuẩn bị cho nhiệm vụ này và hoàn tất trước khi các nước TPP nhóm họp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC sẽ được tổ chức vào ngày 10 và 11-11 tại Đà Nẵng, Việt Nam.
Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh khả năng mở rộng TPP cho các các nền kinh tế khác tham gia nếu họ có thể chấp nhận các tiêu chuẩn cao của Hiệp định. Những nỗ lực này sẽ giải quyết các mối quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ, duy trì mở cửa thị trường, củng cố hệ thống thương mại quốc tế dựa trên các quy tắc chung, thúc đẩy thương mại toàn cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nguy cơ thương mại tự do bị đe dọa với sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ- Donald Trump nhậm chức, nhất là sau khi ông Trump đã chính thức tuyên bố rời khỏi TPP. Và tuy vẫn tỏ ra thận trọng với Trung Quốc, các thành viên còn lại của TPP đang xem xét mở rộng hợp tác kinh tế với siêu cường châu Á này. Nhiều nước châu Á cũng xem Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc lãnh đạo là lựa chọn tối ưu nhất trong khu vực, đồng thời ngỏ ý tham gia siêu dự án “Vành đai và Con đường” do Trung Quốc khởi xướng.
Hy vọng tái khởi động TPP được làm nóng lại sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản-Shinzo Abe và Thủ tướng New Zealand-Bill English hôm 17-5 tại Tokyo. Cả hai nước này hiện nhắm tới việc thực thi TPP mà không cần đàm phán lại quá nhiều. Ngoài ra, Australia, Singapore và Brunei cũng ủng hộ tái khởi động TPP gồm 11 thành viên, không có Mỹ.
Nguyên Phong