Chưa thể đạt mức tăng trưởng 6%
Tại diễn đàn xuất khẩu năm 2012 “Cơ hội và triển vọng” vừa được tổ chức TP Hồ Chí Minh, ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư dự báo kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng suy giảm trong năm nay. Ông Giá cho rằng các dự báo kinh tế tăng trưởng 6% trong năm 2012 là cực kỳ khó vì 4 nguyên nhân. Thứ nhất, trong quý I năm nay, kinh tế Việt Nam tăng 4%, so với cùng kỳ năm ngoái thì thấp hơn. Thứ hai, trong 4 tháng đầu năm, mức tăng trưởng tín dụng bằng không, thậm chí là âm so với năm 2011. Đây được xem như một “bước lùi lịch sử” về phát triển, bởi lẽ, Việt Nam là nước đang phát triển, nhưng tín dụng không tăng thì không có tăng trưởng kinh tế. Thứ ba, sức mua của thị trường giảm mạnh, hàng tồn kho tăng quá cao so với nhiều năm trước. Hàng loạt doanh nghiệp phá sản, giải thể, đăng ký ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế tăng đột ngột. Số còn lại chủ yếu sản xuất cầm chừng. Thứ tư, nhập siêu trong thời gian qua giảm xuống rất thấp, quý I, Việt Nam nhập siêu chỉ ở mức 200 triệu USD.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố tính đến ngày 30-4 ở tỷ lệ âm 0,64% so với cuối năm 2011. Mặc dù trong quý I các chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng không tốt, tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 4 đã có nhiều dấu hiệu phục hồi trở lại như chỉ tiêu tín dụng, nhập siêu cũng nhích dần, xuất khẩu đạt khá… Nhiều thị trường như Lào, Trung Quốc, Cam-pu-chia, Mỹ, Nhật… hứa hẹn nhiều tiềm năng cho hàng Việt Nam xuất khẩu. Song hiện nay chủ yếu xuất khẩu là các mặt hàng đem lại hiệu quả kinh tế không cao vì chủ yếu ở dạng sơ chế. Để vượt qua những khó khăn hiện nay, các ý kiến nhấn mạnh, doanh nghiệp cần phải quản lý chặt chẽ các khoản chi tiêu để tiết kiệm tái đầu tư sản xuất hoặc trả nợ ngân hàng. Đặc biệt các doanh nghiệp cần liên kết lại với nhau để tạo nên sức mạnh mới vượt qua cơn khó khăn.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển
Theo Cục thuế TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2012 đến nay, thành phố đã có 8.293 doanh nghiệp giải thể. Nếu tính cả số hộ kinh doanh cá thể, con số này lên tới 38.284 đơn vị. Số lượng doanh nghiệp có báo cáo dư nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong mấy năm qua ngày càng giảm mạnh. Năm 2010, có 38,37% tổng số doanh nghiệp có báo cáo dư nộp thuế thu nhập, sang năm 2011 là 35,04% và tính đến hết quý I-2012 con số này còn lại 25,42%. Trước những khó khăn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, lãnh đạo thành phố sẽ đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp không chỉ duy trì sản xuất, kinh doanh hiệu quả mà còn phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng.
Tại cuộc họp triển khai Nghị quyết 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Chủ tịch UBND thành phố Lê Hoàng Quân cho biết: Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục rà soát, phân loại hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, thua lỗ triền miên thì ngưng rót vốn, tập trung hỗ trợ, tiếp sức cho các doanh nghiệp có phương án làm ăn tốt, có thị trường và đầu ra của sản phẩm đảm bảo được mức tăng trưởng. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị T.Ư xem xét giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; miễn thuế khoán giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với các hộ, cá nhân chăm sóc giữ trẻ; tổ chức cung ứng suất ăn cho công nhân; các hộ kinh doanh nhà trọ đang cho đối tượng là các sinh viên, công nhân, học sinh thuê…
Bài và ảnh: Giang Tuyết