Thủ tướng Phạm Minh Chính xem bản đồ Khu tái định cư 38,4 ha, Chung cư R1, R2, R3, phường An Khánh, thành phố Thủ Đức chuẩn bị thành lập bệnh viện dã chiến.

Trong tuần từ 5-11/7, TP Hồ Chí Minh vẫn là “điểm nóng” khi số ca mắc COVID-19 vượt 1.000 ca/ngày. Sau khi TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều địa phương khác như Long An, Cần Thơ, Tiền Giang… cũng áp dụng Chỉ thị 16 ở một số địa phương. Do TP Hồ Chí Minh là “điểm nóng” nên người từ TP Hồ Chí Minh đi 62 địa phương khác phải tự cách ly 7 ngày, xét nghiệm 3 lần…

Thủ tướng làm việc với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch COVID-19

Chiều 11/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên.

Sau khi nghe ý kiến của các Bộ, ngành, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Lãnh đạo Trung ương hết sức quan tâm việc Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16. Mặc dù đây là quyết định khó khăn nhưng là quyết định đúng đắn, đúng hướng, cần thiết, từng bước có hiệu quả, nhận được sự đồng tình của Trung ương, nhân dân và sự tham gia hưởng ứng của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngay sau khi kiện toàn bộ máy, Chính phủ đã có 5 cuộc làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh, điều này thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội cũng đã gửi lời thăm hỏi và đánh giá rất cao nỗ lực của Thành phố trong thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, xã hội.

Đánh giá việc Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị 16, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phân tích một số nguyên nhân mang lại kết quả gồm sự lãnh đạo của Trung ương, nỗ lực cố gắng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Thành phố, sự ủng hộ chia sẻ của nhân dân, doanh nghiệp, sự phối hợp chặt chẽ giữa Thành phố với các bộ, ngành, địa phương xung quanh, cũng như sự chia sẻ vào cuộc của các doanh nghiệp.

“Việc thực hiện Chỉ thị 16 đã tác động đến toàn bộ đời sống nhân dân, hoạt động kinh tế của Thành phố, đến doanh nghiệp, kể các các tỉnh xung quanh và cả nước. Vì thế rất mong nhân dân chia sẻ với Thành phố, chia sẻ với Chính phủ”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.  

Lưu ý các công việc sắp tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Thành phố tiếp tục quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn trong việc thực hiện Chỉ thị 16, xác định có trọng tâm, trọng điểm, đúng chỗ; ưu tiên các giải pháp cho phòng, chống dịch để ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, đưa Thành phố trở lại trạng thái bình thường để phát triển kinh tế, xã hội. Thành phố phải đặt tính mạng và tài sản nhân dân lên trên hết, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm cần thiết, hạn chế tối thiểu các ca tử vong, tổ chức tiếp cận vaccine phòng COVID-19 bình đẳng với mọi người dân, không để xảy ra tiêu cực khi thực hiện Chỉ thị 16.

TP Hồ Chí Minh đang đi đúng hướng trong công tác phòng, chống dịch

Sau 2 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và những giải pháp lớn do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã thống nhất, Thành phố đang đi đúng hướng trong công tác phòng, chống dịch. Tình hình mới cần có những giải pháp mới hoặc cách làm mới trên giải pháp cũ theo phương châm "rõ - nghiêm - chắc - hiệu quả".

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc giao ban trực tuyến với TP Hồ Chí Minh, do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì, sáng 11/7, tại trụ sở Chính phủ.

Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, qua kiểm tra công tác ngày 10/7, thành phố ghi nhận 1.403 ca mắc COVID-19, phần lớn ở các khu cách ly và phong tỏa. Thành phố chỉ đạo các quận, huyện tăng cường tuyên truyền về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và kiểm tra các quy định phòng, chống dịch; đồng thời khảo sát và đưa vào sử dụng các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, khu điều trị bệnh nhân nặng.

Thành phố cũng đã chỉ đạo cho các quận, huyện có kế hoạch cho công tác xét nghiệm theo tinh thần xét nghiệm ở những nơi có nguy cơ cao theo nguyên tắc "rõ - nghiêm - chắc - hiệu quả"; chuẩn bị 50.000 giường thu dung, điều trị COVID-19. Làm việc với các khu chế xuất, khu công nghệ - trọng điểm trong việc phòng, chống dịch trên địa bàn, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp danh sách công nhân, người lao động (kể cả làm việc thời vụ) và có phương án xử lý khi phát hiện ca F0, F1; định kỳ xét nghiệm cho các đối tượng này.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, lượng hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi được duy trì ổn định. Tuy nhiên, một số cửa hàng tiện lợi vẫn có tình trạng hàng về chậm nên bị thiếu hàng ở một số thời điểm nhất định; sau đó thành phố đã bổ sung kịp thời để đáp ứng nhu cầu người dân. Giá hàng hóa tại các hệ thống siêu thị không tăng so với thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg; tuy nhiên, người dân có sự nhầm lẫn giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa trong nước. Ngoài ra, thành phố phối hợp với Tổ công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ và các doanh nghiệp quản lý việc mua hàng, trong đó dùng công nghệ thông tin để quản lý và định vị shipper (người giao hàng) đảm bảo nguyên tắc không tập trung đông người.

Thành lập Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong vừa ký quyết định thành lập Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh làm Chỉ huy trưởng; ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh làm Phó Chỉ huy trưởng thường trực cùng với các phó chỉ huy trưởng và thành viên khác. Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh hoạt động 24/24 giờ.

Nhiệm vụ của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh là tham mưu giúp Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh quyết định các chủ trương, kế hoạch, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố. Dự báo tình huống, khả năng có thể xảy ra các cấp độ dịch COVID-19; tiếp nhận và xử lý các thông tin liên quan đến dịch COVID-19 và hoạt động lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi, phá hoại, gây rối mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động đề xuất các chủ trương, kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc tuyên truyền, phát tán thông tin sai sự thật, đấu tranh làm thất bại âm mưu, ý đồ kêu gọi, kích động biểu tình, bạo loạn.

TP Hồ Chí Minh sẵn sàng phương án điều trị với 50.000 giường bệnh

Tại cuộc họp trực tuyến về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngày 11/7, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong đợt dịch thứ 4, Thành phố đã có 12.000 trường hợp mắc COVID-19, hiện Thành phố đang chuẩn bị sẵn sàng phương án điều trị với 50.000 giường bệnh.

Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, từ 6 giờ ngày 10/7 đến 6 giờ ngày 11/7, Thành phố ghi nhận 1.403 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; phần lớn là khu vực cách ly, khu vực phong tỏa, ngoài ra có 172 trường hợp tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện và 272 trường hợp đang điều tra bổ sung thông tin.

Hiện Thành phố đang điều trị 11.308 trường hợp dương tính mới, có 178 ca đang thở máy (8 ca cần can thiệp ECMO). Trong ngày 10/7, có thêm 49 trường hợp khỏi bệnh. Như vậy, trong đợt dịch thứ 4, Thành phố đã có hơn 12.000 trường hợp mắc COVID-19.

Từ 0 giờ ngày 9/7, TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày

Chiều tối 7/7, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo công bố quyết định về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn thành phố từ 0 giờ ngày 9/7, thời gian áp dụng 15 ngày.

Mở đầu buổi họp báo, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay TP Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ với một số biện pháp tăng cường, tuy nhiên diễn biến của dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh vẫn đang rất phức tạp và có nhiều điểm mới khó lường; số người mắc tăng cao, tăng nhanh và dự báo khả năng sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới. Vì vậy, việc siết chặt, nâng cao hơn mức độ của các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đang triển khai là phù hợp với yêu cầu của tình hình hiện nay để có thể nhanh chóng kiểm soát và khống chế dịch bệnh, nhất là các chuỗi dịch chưa rõ nguồn lây.

"Thành phố Hồ Chí Minh xác định việc chống dịch như một cuộc chiến, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết. Do đó, TP Hồ Chí Minh sẽ quyết định sẽ áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn TP Hồ Chí Minh từ 0 giờ ngày 9/7, thời gian áp dụng 15 ngày", ông Nguyễn Thành Phong nói.

Cần Thơ: Giãn cách xã hội 2 quận Ninh Kiều, Cái Răng theo Chỉ thị 16

Để chủ động ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân, tối 11/7, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chỉ đạo các quận, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Riêng quận Ninh Kiều và Cái Răng thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trong 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 12/7 theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố cách ly với khu phố, phường cách ly phường; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

5 huyện, thành phố của Đồng Tháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, chiều 10/7, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã ban hành công văn số 339/UBND-THVX về việc thắt chặt thực hiện giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch đối với một số địa phương.

Theo đó, kể từ 0 giờ ngày 11/7, thành phố Sa Đéc và các huyện: Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò, Cao Lãnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, khóm/ấp cách ly với khóm/ấp, xã/phường/thị trấn cách ly với xã/phường/thị trấn, huyện/thành phố cách ly với huyện/thành phố. Theo đó, người dân không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; tạm dừng tất cả các loại hình kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu. Người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết; dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân…; hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân.

Tiền Giang thực hiện cách ly xã hội 10 huyện, thị xã, thành phố từ 0 giờ ngày 12/7

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu người dân ở địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Tân Phú Đông) thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 12/7/2021 theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo nguyên tắc: Gia đình cách ly với gia đình.

Để siết chặt và thực hiện quyết liệt hơn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ban hành công văn số 3550/UBND-KGVX về thực hiện cách ly toàn xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 12/7/2021 trên địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Tân Phú Đông tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg).  

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu người dân ở địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Tân Phú Đông) thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 12/7/2021 theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo nguyên tắc: Gia đình cách ly với gia đình.

Tổ dân phố, tổ nhân dân tự quản cách ly với tổ dân phố, tổ nhân dân tự quản. Khu phố, ấp cách ly với khu phố, ấp. Xã, phường, thị trấn cách ly với xã, phường, thị trấn. Huyện, thị xã, thành phố cách ly với huyện, thị xã, thành phố.

Nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, mọi người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ; mua lương thực, thực phẩm, thuốc, hàng hóa và dịch vụ thiết yếu khác.

Trường hợp ra khỏi nhà phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn thường xuyên.

Người từ TP Hồ Chí Minh đi 62 địa phương khác phải tự cách ly 7 ngày, xét nghiệm 3 lần

Ngày 7/7, Bộ Y tế ra công văn hỏa tốc số 5389/BYT-MT gửi UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn tiếp nhận người về từ TP Hồ Chí Minh, yêu cầu người từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phải tự cách ly 7 ngày, xét nghiệm 3 lần.

Theo Bộ Y tế, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, đang tiếp tục lây lan nhanh sang một số địa phương lân cận, cần sớm có các giải pháp hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, kịp thời kiềm chế, đẩy lùi và kiểm soát tình hình.

Thực hiện Thông báo số 177/TB-VPCP ngày 06/7/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với TP Hồ Chí Minh và 7 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:

UBND TP Hồ Chí Minh trao đổi, thống nhất với UBND các tỉnh, thành phố trước khi đưa những người từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh, thành phố khác; đồng thời, thống nhất bố trí phương tiện vận chuyển đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.

Tất cả những người từ TP Hồ Chí Minh (trừ các trường hợp từ các tỉnh, thành phố khác đi qua TP Hồ Chí Minh nhưng không dừng, đỗ) đến các tỉnh, thành phải thực hiện cách ly y tế tại nhà trong thời gian 7 ngày, kể từ ngày về địa phương, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong thời gian 7 ngày tiếp theo. Đồng thời, phải thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 3 và ngày thứ 6 trong thời gian cách ly y tế tại nhà.

Trong thời gian tự theo dõi sức khỏe tại nhà, yêu cầu người về từ TP Hồ Chí Minh hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tham gia các hoạt động tập trung đông người. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời, đúng quy định.

Đối với những người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa ra, vào TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế yêu cầu phải thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 898/BYT-MT ngày 07/02/2021 về việc hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa và Công văn số 4351/BYT-MT ngày 28/5/2021 về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa.

Từ 18 giờ ngày 7/7, Hà Nội áp dụng giám sát, quản lý chặt người từ TP Hồ Chí Minh và vùng dịch

Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ra công điện về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc để giám sát, quản lý chặt chẽ tất cả những người đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch.

Công điện của UBND thành phố Hà Nội nêu rõ: Hiện nay tình hình dịch bệnh trên cả nước đang diễn biến nhanh và phức tạp, số ca mắc hàng ngày vẫn tăng cao tại một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Từ ngày 5/7 đến 7/7, Hà Nội đã ghi nhận thêm 16 trường hợp mắc trên địa bàn các quận, huyện: Mỹ Đức (7 ca), Đông Anh (6 ca), Hoàng Mai (1 ca), Đống Đa (1 ca), Mê Linh (1 ca) trong đó có những trường hợp là công nhân tại Khu công nghiệp, người dân trở về Hà Nội có yếu tố dịch tễ liên quan đến Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Bắc Giang… Lãnh đạo thành phố Hà Nội đánh giá hiện nay nguy cơ lây lan dịch bệnh quay trở lại cộng đồng là rất cao.

Để tăng cường kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, và xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương giám sát, quản lý chặt chẽ người về từ các vùng/tỉnh thành phố có dịch. Từ 18 giờ ngày 7/7 áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bắt buộc đối với tất cả những người đến từ thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch.

Trong đó, người đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng dịch thực hiện khai báo y tế bắt buộc, cách ly tại nhà 7 ngày theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, (trừ trường hợp đi công tác công vụ trở về Hà Nội và tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế). Tất cả các trường hợp từ vùng có dịch về phải tổ chức xét nghiệm 3 lần (vào ngày đầu tiên, ngày thứ ba và ngày thứ sáu kể từ ngày đi từ vùng có dịch về), sau đó tự theo dõi sức khỏe tiếp trong vòng 7 ngày; nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác,… phải thông báo ngay cho chính quyền cơ sở, cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn quản lý sức khỏe kịp thời.

Đến 11/7, Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.080 tỷ đồng

Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17 giờ ngày 11/7, quỹ đã tiếp nhận được 8.080 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi).

Số tiền đã chuyển vào quỹ kể trên do 425.658 tổ chức, cá nhân tham gia đóng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc kỳ vọng quỹ sẽ huy động sức mạnh toàn dân để tạo nên kỳ tích mới trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch. Theo Bộ trưởng, trong cuộc chiến với COVID-19, Đảng và Nhà nước đặt ra mục tiêu sớm tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng và việc này cần duy trì hàng năm. Nhưng kinh phí mua vaccine rất lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân.

Để bảo đảm minh bạch, công bằng, Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã công khai đầy đủ các đơn vị, tổ chức, bao gồm cả những đơn vị đã chuyển tiền hoặc đã cam kết nhưng sẽ chuyển sau. Các đơn vị doanh nghiệp đã chuyển tiền đóng góp đều có xác nhận rõ ràng, thống kê đầy đủ.

Sau 2 ngày thực hiện Chỉ thị 16, TP Hồ Chí Minh xử phạt 203 trường hợp vi phạm với 389 triệu đồng

Theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh, sau 2 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố đã lập biên bản xử lý 203 trường hợp vi phạm quy định với tổng số tiền phạt 389 triệu đồng.

Tại buổi họp báo do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều tối 10/7 để thông tin về tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 sau 2 ngày thực hiện Chỉ thị 16, Thượng tá Lê Mạnh Hà, đại diện Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, để đảm bảo tình hình an ninh trật tự khi triển khai Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, TP Hồ Chí Minh đã triển khai 12 chốt, trạm kiểm soát cấp thành phố và 266 chốt kiểm soát tại các quận, huyện để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.

Theo đó, tính đến 12 giờ trưa ngày 10/7, các chốt kiểm soát của TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện đã kiểm tra 51.890 lượt phương tiện gồm ô tô, mô tô, xe chở chuyên gia, xe chở bệnh nhân, công nhân, xe tải… với số người được kiểm tra là 33.624 người. Kết quả đã lập biên bản 203 trường hợp về các hành vi không đeo khẩu trang, ra đường không có lý do chính đáng, mở cửa kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu… với tổng số tiền phạt là 389 triệu đồng.

Thêm 4 bệnh nhân cao tuổi tử vong trong ngày 11/7, cả nước đã có 116 ca tử vong liên quan đến COVID-19

Tiểu ban điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) vừa thông báo 4 ca tử vong do COVID-19. Cụ thể:

Ca tử vong số 113: BN13099, nam 79 tuổi, địa chỉ ở Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh. Tiền sử: lao phổi đã hoàn thành điều trị, đái tháo đường type 2. Bệnh nhân xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả dương tính ngày 20/6. Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện huyện Củ Chi. Ngày 23/6 bệnh nhân ho khan kèm nặng ngực và được chuyển Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP Hồ Chí Minh. Chẩn đoán vào viện: Viêm phổi do SARS-CoV-2 trên bệnh nhân cao tuổi, di chứng lao phổi, đái tháo đường type 2.

Bệnh nhân tử vong vào 15 giờ 35 phút ngày 4/7. Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi do SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch biến chứng suy hô hấp tiến triển, sốc nhiễm trùng, tổn thương đa cơ quan trên bệnh nhân cao tuổi, di chứng lao phổi, đái tháo đường type 2.

Ca tử vong số 114: BN12967, nữ 61 tuổi, địa chỉ Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Tiền sử: Chưa ghi nhận bệnh lý. Ngày xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả dương tính: 18/6/2021. Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Chẩn đoán vào viện: Viêm phổi do SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển.

Bệnh nhân tử vong vào 16 giờ 35 phút ngày 5/7. Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi do SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm trùng, nghi ngờ nhồi máu cơ tim cấp.

Ca tử vong số 115: BN19943, 61 tuổi, nữ, ở địa chỉ TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Bệnh nhân có tiền sử bệnh tháo đường type 2, suy thận mạn; điều trị tại Bệnh viện Sa đéc, Đồng Tháp. Bệnh nhân tử vong ngày 5/7. Chuẩn đoán tử vong: Viêm phổi nặng do nhiễm SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển trên bệnh nhân đái tháo đường type 2, bệnh thận mạn, bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Ca tử vong số 116: BN20043, 65 tuổi, nam, địa chỉ ở huyện Lai Vung, Đồng Tháp.

Bệnh nhân có tiền sử bệnh loét vùng cùng cụt, di chứng tai biến mạch máu não, đái tháo đường type 2, cushing do thuốc. Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Sa Đéc, Đồng Tháp. Bệnh nhân tử vong ngày 6/7. Chuẩn đoán tử vong: Viêm phổi nặng do nhiễm SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển trên bệnh nhân loét vùng cùng cụt, di chứng tai biến mạch máu não, đái tháo đường type 2, cushing do thuốc

Báo Tin tức (tổng hợp)