Các y bác sỹ Trung tâm Y tế Quận 11 (TP Hồ Chí Minh) khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine Moderna phòng COVID-19 trong đợt 5 cho người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mãn tính, người thuộc diện chính sách, có công.

Ngày 28/7, Việt Nam có 6.559 ca mắc mới, giảm hơn 1.350 ca so với ngày 27/7; TP Hồ Chí Minh có thể giãn cách thêm 1-2 tuần theo Chỉ thị 16 tăng cường; Hà Nội triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 quy mô lớn nhất từ trước đến nay… là những tin nổi bật trong ngày.

Ngày 28/7, Việt Nam có 6.559 ca mắc mới, số ca mắc mới trong ngày đang giảm mạnh

Trong ngày 28/7, Việt Nam ghi nhận 6.559 ca mắc mới, giảm 1.354 ca so với ngày 27/7 (7.913 ca), trong đó 4 ca nhập cảnh và 6.555 ca ghi nhận trong nước. Thành phố Hồ Chí Minh cao nhất, có 4.449 ca mắc mới.

Như vậy, đến 19 giờ ngày 28/7, Việt Nam có tổng cộng 2.207 ca nhập cảnh và 118.612 ca mắc trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 117.042 ca, trong đó có 24.683 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 5 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới là Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định.

Có 10 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn là Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang, Quảng Trị.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 126.405 xét nghiệm cho 364.614 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.598.823 mẫu cho 16.212.643 lượt người.

Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 5.013.175 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.562.339 liều, tiêm mũi 2 là 450.836 liều.

Thông tin từ Tiểu ban điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) cho biết, trong ngày, có 4.511 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 27.457 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị hồi sức tích cực (ICU) là 211 ca; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị tim phổi nhân tạo (ECMO) là 17 ca.

Ngày 28/7, TP Hồ Chí Minh cho xuất viện 4.353 ca mắc COVID-19

Theo thông báo từ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, riêng trong ngày 28/7, toàn thành phố đã có 4.353 ca mắc COVID-19 đủ điều kiện và đã được xuất viện.

Cụ thể, trong ngày có 2.355 trường hợp ra viện sau điều trị 7 ngày và được lấy mẫu xét nghiệm bằng kĩ thuật RT-PCR cho kết quả âm tính. Đối tượng này được các bác sĩ tại cơ sở điều trị hướng dẫn tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà hoàn toàn (có phòng riêng, ăn riêng, sinh hoạt riêng, không tiếp xúc với bất kì ai trong gia đình, không ra ngoài…) trong vòng 7 ngày tiếp theo, sau đó tiếp tục tự theo dõi diến biến sức khỏe 14 ngày, thông báo kịp thời cho cơ sở y tế địa phương khi cần.

Số còn lại 1.998 bệnh nhân được ra viện sau 14 ngày điều trị. Đây là đối tượng sau khi được điều trị 7 ngày, làm xét nghiệm bằng kĩ thuật RT-PCR cho kết quả dương tính, làm test nhanh sau 9 ngày và cho kết quả âm tính 1 hoặc 2 lần, kiểm tra tình trạng sức khỏe ổn định, đủ điều kiện ra viện. Nhóm này sẽ phải tiếp tục tuân thủ việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại văn bản số 5599/BYT-MT ngày 14/7/2021 về việc giảm thời gian cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân COVID - 19.

TP Hồ Chí Minh có thể giãn cách thêm 1-2 tuần theo Chỉ thị 16 tăng cường

Chiều 28/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh.

Một trong những nội dung tại cuộc họp được nhiều phóng viên quan tâm là sau ngày 1/8, TP Hồ Chí Minh có tiếp tục thực hiện công tác phòng dịch theo Chỉ thị 12 của Ban thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh và Công văn 2468 của UBND TP Hồ Chí Minh hay không.

Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư TP Hồ Chí Minh cho biết, đến ngày 1/8, TP sẽ có những đánh giá về tình hình dịch, từ đó đưa ra những giải pháp đồng bộ. Khả năng có thể phải tiếp tục áp dụng các biện pháp theo Chỉ thị 12 và Công văn 2468 thêm một thời gian nữa, có thể 1-2 tuần.

Theo ông Phan Văn Mãi, vừa qua người dân thực hiện tốt yêu cầu hạn chế ra đường từ 18 giờ đến 6 giờ. Tuy nhiên, từ 6 giờ đến 18 giờ, số người ra đường vẫn đông đúc, lượng tiếp xúc nhiều. Vì vậy, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cần tăng cường công tác kiểm tra để hạn chế tình trạng này. Sắp tới, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của các cấp và lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn và xử lý các vi phạm về giãn cách triệt để hơn để tăng sức răn đe.

TP Hồ Chí Minh tạo điều kiện cho phương tiện ưu tiên

Ngày 28/7, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản số 2508/UBND-ĐT gửi Sở GTVT, Sở Y tế, Công an TP Hồ Chí Minh cùng UBND thành phố Thủ Đức, quận, huyện về việc tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện được ưu tiên lưu thông trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, các cơ quan, đơn vị không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận tải hàng hoá thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống nhân dân (đã được cấp Giấy nhận diện có mã QR của ngành Giao thông vận tải) tại các chốt kiểm soát (bao gồm các chốt tại cửa ngõ và trong phạm vi TP Hồ Chí Minh). Việc kiểm tra đối với các phương tiện vận tải nêu trên chỉ được thực hiện tại các điểm giao nhận hàng hoá, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch.

Tại các chốt kiểm soát (cửa ngõ thành phố), trường hợp các phương tiện vận tải hàng hoá thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống nhân dân; vận tải nguyên vật liệu, thành phẩm, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu chưa được cấp Giấy nhận diện phương tiện (có mã QR), nhưng người điều khiển phương tiện và người đi cùng trên phương tiện có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn giá trị (trong vòng 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm), UBND Thành phố đề nghị lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát cho xe lưu thông qua chốt sau khi đã kiểm tra Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Đối với các xe taxi đã được Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cấp phép (Giấy nhận diện có mã QR) để hoạt động, phục vụ các trường hợp cần thiết được phép lưu thông (24/24h) trên địa bàn. Ngoài ra, các đơn vị không thực hiện kiểm tra Giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với các trường hợp được phép đi lại trong phạm vi TP Hồ Chí Minh trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ.

TP Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, công chức đeo thẻ đi/về từ nhà đến cơ quan

Ngày 28/7, UBND TP Hồ Chí Minh vừa có hướng dẫn về phương thức làm việc của các cơ quan, đơn vị nhà nước trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị nhà nước đi làm phải đeo thẻ công chức, thẻ ngành hoặc mặc đồng phục khi di chuyển từ nhà đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nhà để các lực lượng tham gia phòng chống dịch dễ nhận diện.

Đối với trường hợp chưa được cấp thẻ chính thức thì cơ quan, đơn vị nhà nước phải cấp thẻ tạm đảm bảo đầy đủ các thông tin cơ quan, đơn vị quản lý, họ và tên, chức danh, chức vụ, có ảnh 3x4 và đóng giáp lai ảnh, thẻ có con dấu cơ quan, đơn vị. Trường hợp cơ quan, đơn vị không cấp thẻ công chức thì bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không có thẻ công chức làm việc tại nhà.

Đối với trường hợp di chuyển bằng phương tiện ô tô thì cơ quan, đơn vị cấp thẻ đi đường cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Thẻ đi đường chỉ được sử dụng để di chuyển từ nơi cư trú đến trụ sở cơ quan, đơn vị và ngược lại.

Đặc biệt, khi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ra đường đi làm không đeo thẻ công chức hoặc thẻ đi đường; không đeo thẻ ngành hoặc không mặc đồng phục ngành sẽ bị xử phạt như trường hợp ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết.

Hà Nội tiêm vaccine chống COVID-19 quy mô lớn nhất từ trước đến nay

Sáng 28/7, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, trong đợt tiêm vaccine với quy mô toàn dân, bên cạnh đối tượng được ưu tiên, quận sẽ mở rộng đối tượng tiêm gồm những người cung cấp dịch vụ thiết yếu và tại những khu vực đang có dịch trên địa bàn.

Căn cứ lượng vaccine được phân bổ, quận sẽ tổ chức tiêm chủng ngay sau khi nhận được vaccine. Quận có khả năng thực hiện 4.000 mũi tiêm/ngày, tại 7 điểm tiêm chủng, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân.

Nhiều người dân cũng đã đến các điểm tiêm.

Hà Nội phong tỏa chợ đầu mối phía Nam vì có người bán trứng mắc COVID-19

Sáng 28/7, ông Ngô Sỹ Quý, Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Trường hợp mắc COVID-19 là chị N.T.M. (sinh năm 1971, quê ở huyện Ứng Hòa, hiện trú tại ngách 15 ngõ Gốc Đề, phường Hoàng Văn Thụ, TP Hà Nội), là tiểu thương bán trứng tại Chợ đầu mối phía Nam.

Ngay khi nhận được thông tin, phường đã nhanh chóng phong tỏa khu chợ, yêu cầu tạm dừng các hoạt động kinh doanh, buôn bán. Đồng thời, lực lượng chức năng rà soát các trường hợp liên quan đến ca nghi mắc này.

Phong tỏa Vincom Bà Triệu, khẩn trương truy vết người bị nghi nhiễm COVID-19

Chiều 28/7, lực lượng chức năng phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội dựng rào chắn, chốt kiểm soát quanh khu vực Tòa nhà Vincom 191 Bà Triệu.

Việc phong tỏa đang được tiến hành khẩn trương để truy vết, do tòa nhà Vincom có liên quan đến ca nghi mắc COVID-19.

Nhiều nhân viên văn phòng được yêu cầu không ra khỏi khu vực. Đặc biệt, tuyệt đối không được tụ tập tại tầng 1 của tòa nhà cho đến khi có thông báo tiếp theo.

Gần 1 triệu bữa cơm nghĩa tình trao tới người dân khó khăn do dịch COVID-19

Ngày 28/7, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam cùng các đơn vị đồng hành tổ chức chương trình “Triệu bữa cơm - Hà Nội nghĩa tình”, trao 470 suất thực phẩm (mỗi suất gồm 10 kg gạo và 1 thùng mì) với tổng trị giá 82 triệu đồng cho 470 bệnh nhân đang điều trị dài ngày tại Bệnh viện Thận Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam Nguyễn Hải Minh, trong bối cảnh bình thường, người bệnh và người nhà bệnh nhân đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn về thể chất, tinh thần, về điều kiện vật chất để chống chọi với bệnh tật. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, những khó khăn đó còn nhân lên gấp bội.

Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đánh giá rất cao và trân trọng cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của các cá nhân, tổ chức đã đồng hành với chương trình “Triệu bữa cơm” của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội để khởi xướng và triển khai cụ thể chương trình “Triệu bữa cơm - Hà Nội nghĩa tình”.

"Chúng tôi mong muốn thông qua chương trình lan tỏa thông điệp tích cực: Dù đại dịch còn diễn biến phức tạp, nhưng nếu chúng ta cùng đồng lòng, cùng sẻ chia, bằng những hành động cụ thể đóng góp cho cộng đồng, xã hội, chắc chắn Việt Nam sẽ vượt qua đại dịch”, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam nhấn mạnh.

Hà Nội xử phạt 12,5 triệu đồng với người thông tin sai sự thật về lập 3.000 chốt kiểm soát dịch

Ngày 28/7, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Hà Nội đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính cá nhân đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Cụ thể, Thanh tra Sở TT&TT quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà N.T.K.T (33 tuổi), nghề nghiệp kinh doanh, cư trú: Phòng 3003, Dl, Chung cư Sixth Element Nguyễn Văn Huyên kéo dài, quận Tây Hồ, Hà Nội đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính như sau: Vào hồi 23 giờ ngày 25/7/2021, bà N.T.K.T đã sử dụng tài khoản facebook cá nhân đăng lên nhóm "BÁN GIỎI MUA KHÉO" bài viết có nội dung: “Sáng mai HN có khoảng 3.000 chốt, mỗi phường có khoảng 10 chốt, đi đâu cũng phải đầy đủ giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh đi ra đường có lý do cần thiết. Cả nhà tag và chia sẻ cho nhau biết nhé".

Nội dung thông tin này là giả mạo, sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Hành vi của bà N.T.K.T đã vi phạm điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 cùa Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Thanh tra Sở TT&TT quyết định xử phạt bà N.T.K.T số tiền là 12,5 triệu đồng. Đồng thời, buộc bà N.T.K.T gỡ bỏ thông tin sai sự thật. Hiện bà N.T.K.T đã gỡ bỏ bài viết nêu trên.

Đường phố TP Hồ Chí Minh 'lặng im' sau giờ giới nghiêm

Tối 28/7, TP Hồ Chí Minh bước sang ngày thứ ba áp dụng quy định hạn chế ra đường sau 18 giờ, hầu hết người dân đều chấp hành. Trên đường, chỉ lác đác các công nhân dọn dẹp vệ sinh và xe cấp cứu làm nhiệm vụ trong không gian tĩnh lặng.

Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức tại các tuyến đường trung tâm TP Hồ Chí Minh như: Võ Văn Kiệt, Nguyễn Thái Học, Lê Lai, Trần Hưng Đạo (Quận 1), Cách Mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ (Quận 3), Khánh Hội, Hoàng Diệu (Quận 4), Nguyễn Thị Thập (Quận 7), Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa, Trần Quốc Hoàn (quận Tân Bình), Tân Kỳ Tân Quý, Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú)… đều vắng lặng, im lìm. Ngoài ra, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, lực lượng công an được bố trí tại các chốt kiểm tra 24/24 giờ về việc chấp hành quy định và xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm.

M.T/Báo Tin tức (tổng hợp)