Các nữ  TNXP Tổng đội 572 tại Sầm Nưa (Lào) năm 1972.

Sau những thất bại nặng nề ở chiến trường miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ âm mưu mở rộng chiến tranh sang cả 2 nước Lào và Campuchia.

Năm 1972, cuộc kháng chiến của 3 nước anh em Việt Nam, Lào, Campuchia chống đế quốc Mỹ xâm lược bước vào giai đoạn gay go quyết liệt. Thực hiện thỏa thuận giữa Đảng Lao động Việt Nam (tên Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ) và Đảng Nhân dân cách mạng Lào, T.Ư Đảng ta giao trách nhiệm cho Ban Chấp hành T.Ư Đoàn Thanh niên lao động (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) thành lập một đơn vị thanh niên xung phong (TNXP) để tăng cường lực lượng cho Ban 64 thuộc Bộ Giao thông vận tải đang làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào. Thực hiện chủ trương trên, ngày 1-5-1972, Tổng đội TNXP 572 được thành lập.

Về tổ chức lực lượng, Tổng đội có 5 đội (5N), bao gồm 26 đại đội (26C) với tổng số 4.500 nam, nữ cán bộ, đội viên được tuyển chọn ở các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Vĩnh Phú, trong đó số lượng của TNXP Thanh Hóa chiếm gần 2/3. Trước đội hình đông đảo nam thanh, nữ tú, khỏe mạnh, phấn chấn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phan Trọng Tuệ vui vẻ nói rằng: “Lần đầu tiên trong lịch sử, con gái Việt Nam xuất dương đi làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào”.

Nhiệm vụ của Tổng đội TNXP 572 là tu bổ, mở rộng, nâng cấp tuyến đường dài 64km từ căn cứ địa cách mạng Viêng Xay (Lào) đến biên giới Việt Nam tại Cửa khẩu Na Mèo, thuộc huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đây là một cung đường của tuyến đường 217B, một tuyến đường chiến lược hết sức quan trọng kéo dài đến tận Sầm Nưa, thủ phủ tỉnh Hua Phăn, nước CHDCND Lào.

Với ý thức trách nhiệm về nghĩa vụ quốc tế cao cả, sau chặng đường hành quân dài mấy trăm cây số vượt đỉnh Trường Sơn, băng qua đèo cao, suối sâu, đoàn quân TNXP 572 đã tới đích và khẩn trương bắt tay vào thực thi nhiệm vụ. Hiện trường của tuyến đường phải thi công là một địa bàn khó khăn, phức tạp…; núi rừng, vách đá cheo leo, suối khe hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, ngôn ngữ bất đồng, lại còn thú dữ và bọn thổ phỉ Xảm Thông - Long Chẹng rình rập, tấn công. Tuy vậy, tất cả cán bộ, chiến sĩ đều ghi sâu lời Bác Hồ dạy:

“Thương nhau mấy núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua

Việt - Lào hai nước chúng ta

Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long.

Những lời Bác Hồ dạy đã được viết thành những băng rôn căng trên đường, dán vào vách núi, dán trong lán trại và viết thành khẩu hiệu bướm cài lên mũ, nhằm nhắc nhớ nhau quyết tâm vượt qua khó khăn để làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Các phong trào thi đua được thường xuyên phát động, tập trung vào việc cải tiến công cụ sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tăng cường đoàn kết, hòa hợp, thân thiện với nhân dân địa phương nước bạn.

Vào đầu giờ ngày khởi công, C5, N259 của Thanh Hóa vinh dự được giao nổ phát mìn đầu tiên báo hiệu để toàn công trường bắt đầu xung trận. 3.000 cán bộ, chiến sĩ TNXP Thanh Hóa được phiên chế tổ chức để thành lập nên đội cầu 4, trực thuộc tổng đội. Các C còn lại được rải quân đóng chốt từ Cửa khẩu Na Mèo đến chân đèo Phu Bông. Căn cứ vào đồ án thiết kế, TNXP Thanh Hóa cùng với TNXP các tỉnh bạn đồng tâm bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ như đào đất, phá đá, san lấp, mở rộng mặt đường, bắc cầu, xây cống, hạ bớt độ cao của đèo dốc... Cũng chính C5, N259 là đơn vị có trách nhiệm sản xuất cung cấp đá cho các đơn vị rải mặt đường. Để có đủ và kịp thời số lượng đá cần thiết, họ nêu cao khẩu hiệu: “Mổ bụng đồi, moi gan suối”. Nói là làm, họ cật lực đào bới, nổ mìn đập đá trên núi trên đồi để lấy đá, khi mỏ đá trên đồi hết, họ ào xuống suối mò nhặt những hòn đá, hòn sỏi chuyển lên đáp ứng yêu cầu thi công làm đường. Nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Nhã, vốn là học sinh ở thị xã Thanh Hóa (nay là T.P Thanh Hóa) chưa quen lao động chân tay, vẫn tình nguyện ngâm mình dưới nước sâu tới ngực hết ngày này qua ngày khác, thu gom được hàng mét khối đá, sỏi góp với đơn vị để hoàn thành kế hoạch. Trong một phong trào thi đua, C9, N259 được giao thi công một đoạn đường dài 6km, toàn đơn vị nỗ lực phấn đấu với tinh thần vì nước bạn Lào, vì miền Nam ruột thịt, nên sau 60 ngày đã hoàn thành nhiệm vụ vượt trước thời hạn 10 ngày. Qua đó xuất hiện thêm nhiều tấm gương tiêu biểu như Vũ Thị Minh, Đinh Thị Ái, Hà Thị Thắng, Đinh Thị Vân… là con em dân tộc Mường, tỉnh Thanh Hóa, luôn nêu cao tinh thần thi đua gương mẫu hoàn thành vượt mức, đảm bảo chất lượng. Còn có Cao Thị Xinh vừa nổ mìn giỏi, vừa lát đá giỏi, xứng đáng trở thành Chiến sĩ thi đua của toàn Tổng đội.

Sau khi hoàn thành xong con đường dài 64km, theo nguyện vọng của nước bạn TNXP 572 tiếp tục làm thêm con đường nội thị Viêng - Xây dài 10km. Nơi đây là Thủ đô kháng chiến của T.Ư Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Mặt trận Neo Lào Hắc Xạt. Sau đó còn làm thêm một số công trình khác như xây dựng trường học, nơi ở, nơi làm việc của cơ quan lãnh đạo T.Ư bạn. Trước những thành tích mà TNXP 572 đã cống hiến trên đất bạn, một cán bộ cao cấp của bạn đã nói: “Một ước mơ ngàn đời đã thành sự thật”.

Khi đánh giá về tinh thần quốc tế cao cả của bộ đội, cán bộ, công nhân và TNXP Việt Nam, Chủ tịch Xuphanuvông đã ca ngợi tình hữu nghị Lào - Việt:

Cao hơn núi, dài hơn sông

Rộng hơn biển cả

Sáng hơn trăng rằm

Thơm hơn đóa hoa thơm nhất.

Do những công lao thành tích to lớn đã cống hiến, Nhà  nước Việt Nam và Nhà nước Lào tặng thưởng cho tập thể Tổng đội 7 huân chương các loại và hàng trăm huân, huy chương cho cán bộ, chiến sĩ TNXP 572 có thành tích xuất sắc .

Văn Như Tước