Lỗi tại… “ông trời”?
Năm 2015, UBND tỉnh Yên Bái thực hiện Dự án Cải tạo nâng cấp đường cảng Hương Lý - ga Văn Phú (đoạn quốc lộ 70 - ga Văn Phú), Công ty Phát triển và Kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái (Công ty PT-KDHT) được giao làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là 104,978 tỷ đồng. Khi tuyến đường được hoàn thành, nhà ở, cơ sở sản xuất của một số hộ dân hai bên đường thấp hơn mặt đường, khi có mưa gây ra tình trạng ngập cục bộ. Xưởng sản xuất bao bì của Công ty TNHH Yên Phú thấp hơn mặt đường khoảng 70cm và thấp hơn cống thoát nước từ mặt đường. Công ty phải ngừng sản xuất từ tháng 1-2016 vì toàn bộ hệ thống điện của Công ty đều thiết kế ngầm, khi thi công tuyến đường nếu đóng điện vận hành máy móc có thể dẫn đến chập điện khi trời mưa, ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của người lao động.
Ngày 28-7-2016, trời mưa to, hệ thống thoát nước của Công ty không thoát kịp, nước mưa từ đường tràn vào xưởng sản xuất bao bì, làm hư hỏng một số nguyên vật liệu và máy móc. Ngay lúc đó, ông Nguyễn Duy Vượng-Giám đốc Công ty TNHH Yên Phú đã báo cáo, mời đại diện các cơ quan hữu quan đến Công ty lập biên bản kiểm tra hiện trạng. Đại diện các cơ quan: Sở GTVT, Công ty PT-KDHT, UBND huyện Yên Bình, UBND thị trấn Yên Bình đã có mặt và lập Biên bản ghi nhận hiện trạng. Tuy nhiên, khi Đoàn công tác đến Công ty lúc 18 giờ quá muộn, nước ngập tràn ứ 3 giờ trước Đoàn công tác đến nước đã rút, nên Biên bản của Đoàn công tác liên ngành chỉ ghi nhận hiện tượng có nước trong sân tầng 1 xưởng sản xuất bao bì.
Trước đó, vào hồi 17 giờ 30 phút cùng ngày, UBND thị trấn Yên Bình cử ông Hoàng Văn Nhân-Tổ trưởng tổ 14 và bà Lý Thị Minh Mến-công chức tư pháp xã đến xem xét hiện trường và lập Biên bản kiểm tra xác định thiệt hại, trong đó ghi rõ: “Nước ngập sâu khoảng 15cm phần nền của nhà xưởng, bị ướt sản phẩm bao bì khoảng 4.000 cái; 20 bao hạt nhựa, toàn bộ hệ thống điện ngầm dưới lòng nền nhà bị ngập nước”.
Theo thống kê thiệt hại bước đầu của Công ty TNHH Yên Phú, tổng thiệt hại do nước mưa tràn vào xưởng là 464,1 triệu đồng, chưa kể máy móc bị hỏng. Do đó, ngày 10-8-2016, Công ty TNHH Yên Phú đã gửi đơn đến UBND tỉnh Yên Bái cầu cứu. Ngay lập tức, UBND tỉnh Yên Bái đã có công văn yêu cầu Công ty PT-KDHT khẩn trương rà soát những ảnh hưởng của dự án đến các tổ chức, hộ gia đình dọc tuyến đường thi công, có phương án xử lý thoát nước cho khu vực bị ảnh hưởng. Tiếp đó, ngày 12-12-2016 và ngày 16-1-2017, Sở GTVT tỉnh Yên Bái có công văn đề nghị Công ty TNHH Yên Phú liên hệ với công ty PT-KDHT để giải quyết việc thoát nước.
Cơ quan chức năng nói gì…
Trao đổi về vụ việc này, ông Đỗ Nhân Nghĩa-Phó giám đốc Sở GTVT khẳng định: “Việc này hoàn toàn là trách nhiệm của chủ đầu tư, Công ty PT-KDHT. Chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản giao cho chủ đầu tư xem xét, giải quyết những tồn đọng”.
Liên quan đến trách nhiệm của địa phương nơi Công ty TNHH Yên Phú đặt trụ sở, ông Từ Ngọc Hùng-Chánh Thanh tra huyện Yên Bình cho rằng: Việc bồi thường thuộc về bên thiết kế. Nếu thiết kế có nội dung phải bồi thường thì huyện mới tiến hành xem xét. Do đó, chủ đầu tư có trách nhiệm cả với khâu thiết kế và thi công. Chủ đầu tư phải đánh giá tác động môi trường, ảnh hưởng đến người dân thì phải bồi thường. Phải có dự toán bổ sung, thì huyện mới vào cuộc.
Ngày 23-12-2016, Công ty PT-KDHT có công văn trả lời đơn của Công ty TNHH Yên Phú, đề xuất biện pháp xây dựng cống tròn D50 để thoát nước phía trước cổng Công ty và sau đó đã lắp đặt đường ống vào rãnh, nhưng chưa đấu nối với hệ thống thoát nước chung. Công văn này tuyệt nhiên không đề cập đến việc bồi thường thiệt hại cho Công ty TNHH Yên Phú.
Gần đây nhất, ngày 22-1-2017, ông Nguyễn Duy Vượng-Giám đốc Công ty TNHH Yên Phú đã đến gặp ông Nguyễn Văn Luận-Giám đốc Công ty PT-KDHT theo tinh thần chỉ đạo xử lý vụ việc của UBND tỉnh, nhưng lãnh đạo Công ty PT-KDHT trốn tránh, không tiếp.
Ông Vượng tiếp tục gửi đơn cho Công ty PT-KDHT đề nghị giải quyết bồi thường thiệt hại cho Công ty TNHH Yên Phú, số tiền đề nghị bồi thường là 4.009.380.000 đồng, kèm theo danh sách chi tiết các khoản, mục yêu cầu bồi thường. Đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Yên Phú chưa nhận được hồi âm về đề nghị này.
Theo luật sư Hoàng Kim Thoa, Giám đốc công ty Luật QTC thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội phân tích: Điều 116, Luật Xây dựng quy định quá trình thi công xây dựng công trình, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm về bảo vệ môi trường do mình gây ra. Bên cạnh đó, Điều 119 quy định về sự cố công trình thì chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo cấp phê duyệt dự án những thiếu sót trong thiết kế nếu có, xây dựng phương án cải thiện, bổ sung các hạng mục công trình… để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định. Vì vậy, UBND tỉnh Yên Bái cần sớm chỉ đạo cơ quan chức năng và đơn vị liên quan đến dự án sớm làm rõ nguyên nhân gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp cần quy rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 14 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Luật sư Hoàng Kim Thoa cho rằng việc đề xuất xây dựng cống tròn D50 để thoát nước cho Công ty TNHH Yên Phú chỉ là giải pháp tình thế. Công ty TNHH Yên Phú có thể khởi kiện, cung cấp cho tòa án đầy đủ các giấy tờ chứng minh thiệt hại để Tòa án phân xử khi chủ đầu tư không chịu thực hiện bồi thường theo quy định…
Bài và ảnh: Hoàng Thanh