Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc nhìn từ trên cao - nơi có mộ phần liệt sĩ Lê Đình Thủy, sinh năm 1950, quê quán ghi Bình Trị Thiên, hy sinh ngày 12-11-1972.

18 tuổi Lê Đình Thủy tham gia cách mạng, làm Đội trưởng thôn Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Hòa Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, sau đó thoát ly kháng chiến. Bị địch bắt và đày ra đảo Phú Quốc. Ở đây, ông đã vượt ngục, liên lạc với Đảng bộ và chính quyền địa phương, tiếp tục chiến đấu và hy sinh ngày 12-11-1972 tại huyện Phú Quốc. Vậy mà, hơn 44 năm, đối với người dân ở quê nhà, ông chỉ là người “mất tích” trong chiến tranh. Đến khi Hội CCB tỉnh cùng chính quyền, các ban, ngành vào cuộc, ông mới được Nhà nước công nhận liệt sĩ.

Tháng 8-2015, CCB Đặng Hoài Thanh - hội viên Hội Tù yêu nước T.P Huế đến Hội CCB tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp thông tin: Trong chuyến ra thăm Phú Quốc vừa qua, ông phát hiện tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Phú Quốc có mộ liệt sĩ Lê Đình Thủy, sinh 1950, quê quán xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Bình Trị Thiên. Nhưng khi về xã Phú Mỹ hỏi UBND xã, họ trả lời không có tên liệt sĩ Lê Đình Thủy. Ông Thanh đã tìm hiểu và đến thăm gia đình ông Lê Đình Nhẫn (em ruột của liệt sĩ Lê Đình Thủy) và được ông Nhẫn cho biết: “Năm 1968, anh tôi tham gia cách mạng, làm Thôn đội trưởng Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, sau đó thoát ly lên rừng và nghe đâu bị địch bắt. Từ đó đến nay hoàn toàn không có tin tức gì về anh. Mọi người cứ nghĩ anh đã “mất tích” không về. Bao nhiêu năm nay, gia đình trông ngóng nhưng bặt tin. Gia đình đã lập bàn thờ, thắp hương thờ cúng và không hề được hưởng bất kỳ chế độ, chính sách nào”.

Từ những thông tin ban đầu, Hội CCB tỉnh Thừa Thiên Huế cử cán bộ Ban Tổ chức - Chính sách quyết tâm “trả lại tên” cho liệt sĩ Lê Đình Thủy. Qua tìm hiểu tại địa phương, đồng chí Lê Đình Thủy, sinh năm 1950, quê quán: Thôn Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tham gia cách mạng năm 1968. Sau đó “lên rừng” và mất tích từ đó đến nay. Hiện nay còn 3 người em trai và 1 em gái, đều sinh sống ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Với thông tin trên ít ỏi, Hội CCB tỉnh gửi công văn đề nghị Hội CCB tỉnh Kiên Giang và Hội CCB huyện Phú Quốc giúp đỡ, xác minh, cung cấp thông tin cụ thể về liệt sĩ Lê Đình Thủy. Ngày 29-10-2015, Hội CCB tỉnh Thừa Thiên Huế được trả lời: “Đồng chí Lê Đình Thủy bị địch giam ở trại giam nhà lao Cây Dừa (nay là thị trấn An Thới). Đồng chí đã cùng anh em tù vượt ngục trốn ra ngoài, liên lạc với Đảng bộ và chính quyền địa phương, tiếp tục chiến đấu và đã anh dũng hy sinh ngày 12-11-1972 tại Phú Quốc”. Có kèm theo giấy xác nhận của Phòng LĐTBXH huyện Phú Quốc: “Xác nhận liệt sĩ: Lê Đình Thủy, sinh năm 1950; quê quán: Bình Trị Thiên; Hy sinh ngày: 12-11-1972; địa chỉ mộ: Khu B, lô mộ: B3, hàng mộ: H14, số mộ: M15; Hiện nay, Phòng LĐTBXH đang quản lý mộ chí liệt sĩ Lê Đình Thủy”.

Đây là thông tin đã làm cho anh em chúng tôi vô cùng vui mừng, phấn khởi vì điều đó khẳng định chắc chắn đồng chí Lê Đình Thủy là liệt sĩ, không phải như dư luận ở địa phương lâu nay cho là ông bị mất tích. Căn cứ nội dung trả lời trên, Hội CCB tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo với Ban Chỉ đạo rà soát chế độ chính sách đối với Người có công cách mạng thuộc Sở LĐTBXH tỉnh; cử cán bộ trực tiếp làm việc với Bộ CHQS và Sở LĐTBXH tỉnh, đồng thời tiếp tục gửi công văn đến UBND huyện Phú Vang đề nghị quan tâm thẩm định, xem xét làm thủ tục để công nhận liệt sĩ cho Lê Đình Thủy.

Với sự vào cuộc tích cực của Sở LĐTBXH, mặc dù gặp không ít trở ngại, thậm chí phải vượt qua cả rào cản về thủ tục và nhận thức của một số cán bộ, cuối cùng, đến ngày 8-12-2016, liệt sĩ Lê Đình Thủy được Nhà nước cấp bằng Tổ quốc ghi công (Quyết định số 2372/QĐ-TTg, ngày 8-12-2016).  

Như vậy, nếu tính từ ngày hy sinh (12-11-1972) đến ngày được công nhận liệt sĩ (8-12-2016) là hơn 44 năm, liệt sĩ Lê Đình Thủy mới được “trở về” trong niềm vui, xen lẫn bùi ngùi, tiếc thương của gia đình, bà con hàng xóm và đồng đội. Gần nửa thế kỷ, một người con ra đi chiến đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc mới được Nhà nước ghi nhận sự hy sinh của anh.

Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn nỗi niềm day dứt về trách nhiệm của chúng ta - những người còn sống - đối với người có công đến nay chưa được Nhà nước công nhận, chưa được hưởng chế độ người có công.

Để làm được điều đó, cơ quan chức năng đã phải vượt qua cả rào cản về các quy định, thủ tục và cả nhận thức của lớp cán bộ trẻ sau này. Một ví dụ cụ thể trong trường hợp này là: Khi chủ trì cuộc họp với đại diện cấp ủy, chính quyền và đại diện thân nhân gia đình liệt sĩ Lê Đình Thủy, một cán bộ ở Phòng LĐTBXH huyện Phú Vang kết luận: “Theo Thông tư 28/2013 thì đã có sự “không trùng khớp quê quán” của liệt sĩ Lê Đình Thủy. Vì như phản ánh, quê ông Thủy ở Bình Trị Thiên (cũ) (gồm 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) chứ không phải ở Thừa Thiên Huế. Và cũng vị cán bộ ấy đề nghị: “Để có đủ cơ sở pháp lý và căn cứ làm hồ sơ cho ông Lê Đình Thủy đề nghị ông Lê Đình Nhẫn làm hồ sơ đi giám định ADN để xác định chính xác liệt sĩ Lê Đình Thủy có phải là thân nhân của gia đình hay không”! Vâng! Cả đất nước Việt Nam này chỉ có duy nhất một huyện có tên Phú Vang của tỉnh Thừa Thiên Huế hay Bình Trị Thiên (cũ) đều là một. Như vậy có thật đây là sự “không trùng khớp quê quán” như vị cán bộ kia hay không? Nếu không có thông tin của cựu tù Đặng Hoài Thanh và đơn thư của gia đình và nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của Hội CCB tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan chức năng thì không biết đến bao giờ ông Lê Đình Thủy mới được công nhận là liệt sĩ?

Thực tế hiện nay đã cho chúng ta nhiều bài học, để làm tốt hơn nữa công tác chính sách, Người có công rất cần những người làm chính sách có cái tâm và có trách nhiệm với những người đã ngã xuống cho sự bình yên của Tổ quốc.

Nguyễn Văn Hùng