Vì vai trò quan trọng đặc biệt đối với mọi mặt đời sống của internet, xã hội ngày nay được xem là “xã hội thông tin”, một bước phát triển vượt bậc của nền văn minh nhân loại.
Ở nước ta, internet đã và đang giữ vai trò to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát triển công nghệ thông tin nói chung, internet nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt. Theo đánh giá của COMSCORE (tổ chức chuyên nghiên cứu về sự phát triển của internet trên thế giới), hiện nay nước ta nằm trong nhóm quốc gia đứng đầu về số người sử dụng internet ở khu vực ASEAN và châu Á. Số người sử dụng internet hiện khoảng 19 triệu người. Ham học hỏi, khả năng thích nghi, cập nhật với cái mới là một biểu hiện tích cực trong tính cách của người Việt Nam.
Những người sử dụng internet thường “lướt web” mỗi ngày. Ở Việt Nam theo nhận xét của COMSCORE, cứ 100 người dùng internet thì có tới 88 người từng ghé thăm các trang mạng xã hội. Có thể nói với sự phát triển rộng rãi của người sử dụng internet, ở nước ta đã hình thành “công dân mạng”, “xã hội mạng”. Mặt khác, vì không dựa trên phương thức giao tiếp trực tiếp bằng các giác quan (người thực, việc thực), nên người ta còn gọi mạng là “xã hội ảo”. Chính vì tính chất “ảo” của thông tin mạng mà những kẻ xấu đã có thể lợi dụng để phục vụ cho những mục tiêu xấu xa của chúng, từ lừa đảo để chiếm đoạt tài sản, khiêu dâm...
Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X. Ảnh: Hoàng Minh
Thực tế cho thấy, vào dịp chuẩn bị diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước như các lễ kỷ niệm lịch sử, đại hội Đảng, kỳ họp Quốc hội…, thì các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước lại lợi dụng không gian mạng để phát tán thông tin nhằm chống phá cách mạng nước ta, chế độ ta. Những thông tin này thường xuất hiện trên các website, blog nói chung, trong đó có mạng Facebook và nhiều hãng thông tấn nước ngoài, như Đài Châu Á tự do (RFA), Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Hãng BBC... Bên ngoài, các đài phát thanh, hãng thông tấn này đều tuyên bố “tôn chỉ” của mình là đưa tin “trung thực, khách quan, không vụ lợi”…, nhưng trên thực tế thì họ thường “cài đặt” những mục tiêu chính trị dưới nhiều hình thức. Phương thức chủ yếu của họ là “cắt gọt”, “bình luận” dẫn dắt, “lựa chọn sự kiện, tình tiết”, rút “tít” giật gân nhằm phục vụ cho những mục tiêu chính trị nào đó.
Trong dịp Đảng ta chuẩn bị cho Đại hội XII, nhất là từ khi Đảng ta công bố rộng rãi dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến nhân dân, nhiều trang mạng ở trong nước và ngoài nước đã xuất hiện những thông tin thất thiệt, bài viết về chủ đề Đại hội XII với mục tiêu xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ hệ tư tưởng XHCN, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về dự thảo văn kiện trình Đại hội XII, nội dung “góp ý”, “bình luận” của họ là: Đối với kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và 30 năm đổi mới, họ thường dùng thủ đoạn bôi đen, phủ nhận những thành tựu của công cuộc đổi mới bằng việc phủ nhận bản thân đường lối đổi mới. Họ cho rằng xã hội ta vẫn là mô hình CNXH cổ hủ, lỗi thời. Về chế độ xã hội, họ phủ nhận chế độ dân chủ của xã hội ta. Họ cho rằng vai trò lãnh đạo của Đảng ta là “độc quyền đảng trị”. Về đường lối đối ngoại, họ “góp ý” Việt Nam nên từ bỏ “chính sách ba không”, tham gia “liên minh” với nước này nước khác để bảo vệ lãnh thổ dân tộc.
Như chúng ta biết, với điều kiện vị trí địa chính trị của nước ta, với các quan hệ quốc tế đã tồn tại trong lịch sử, đường lối đối ngoại của Việt Nam cần phải dựa vào “sức mạnh mềm”, đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, hạn chế những việc làm dẫn đến đối đầu với các quốc gia khác. Tất nhiên Đảng ta vẫn khẳng định “đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết”, không có chuyện vì hệ tư tưởng trong quan hệ quốc tế mà xem nhẹ lợi ích của dân tộc.
Về nhân sự, đây là một trong những vấn đề quan trọng của Đại hội XII, nhất là thời điểm chuyển giao thế hệ. Thủ đoạn của họ thường là đưa tin thất thiệt về đời tư, phẩm chất (người này là “bảo thủ, giáo điều”, người kia là “cấp tiến”) hoặc vấn đề nhân sự đại hội chỉ là chuyện “đấu đá”, “giành giật quyền lực” giữa các "nhóm lợi ích”(!).
Quan điểm của Đảng ta về lựa cán bộ là rõ ràng, nhất quán. Đó là những người trung thành với lý tưởng của Đảng, Tổ quốc, nhân dân, lợi ích dân tộc. Công tác nhân sự của Đại hội XII cần lựa chọn cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); đồng thời thực hiện đúng các quy trình lựa chọn chặt chẽ mà Trung ương, Bộ Chính trị đã đề ra. Tránh dựa vào các thông tin không được kiểm chứng, những bình luận xuất phát từ quan điểm xa lạ với chế độ ta để đánh giá, nhận xét cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước các cấp trong dịp chuẩn bị cho Đại hội XII.
Hiện nay, ngoài kênh thông tin nội bộ theo quy định của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm đến công tác chuẩn bị đại hội các cấp có thể đọc, truy cập, lấy thông tin ở các cơ quan báo chí định hướng thông tin của đất nước, đó là: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân.
Theo QĐND