Sự nghiệt ngã của cuộc chơi là người nuôi không được phép sai sót, không được ngã dù chỉ một lần. Nhưng sự nghiệt ngã đó vẫn đeo bám người nuôi tôm sú Sóc Trăng nhiều năm liền.
Chúng tôi về huyện Mỹ Xuyên, là nơi có mô hình tôm, lúa được các nhà khoa học ở các viện, trường đại học trong cả nước đánh giá mang tính bền vững cao. Nhưng năm nay, không khí chuẩn bị mùa nuôi tôm sú của bà con nơi này im ắng, không khẩn trương như những năm trước, đồng vắng tanh không một bóng người. Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng, đến thời điểm này toàn tỉnh đã thả nuôi 25.000 ha tôm sú thì có tới 13.000 ha bị mất trắng do dịch bệnh, diện tích tôm bị thiệt hại ở Sóc Trăng đã lên gần gấp đôi, làm người nông dân Sóc Trăng bị thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng, trong đó có những xã diện tích thiệt hại lên đến 60 – 90%, như Vĩnh Hải, Lạc Hoà, Vĩnh Hiệp, Liêu Tú, Trung Bình, Hoà Tú 1, Gia Hoà, Ngọc Đông, Hoà Tú 2... Số hộ diện tích chưa bị thiệt hại còn lại rất thấp từ 5 – 10 hộ/ấp.
Về xã Ngọc Đông, Hoà Tú 1 (Mỹ Xuyên), nơi có diện tích nuôi tôm sú thiệt hại nhiều nhất trong huyện; đang vào mùa nuôi tôm, vậy mà nhiều đồng tôm ở đây im ắng lạ thường, đầm tôm vắng tanh trơ đáy. Tần ngần mãi tôi mới có thể bắt chuyện với CCB Phạm Văn Phước, ở ấp Huỳnh Công Đê, xã Ngọc Đông. Anh không giấu được nỗi buồn: “Đến giờ một héc-ta nuôi tôm sú nhà tôi còn gì nữa đâu, tôi cũng như bao người khác ở khu vực này đã chán ngấy cảnh nuôi tôm sú quảng canh cải tiến. Hễ nhìn thấy ao tôm sú là muốn khóc, tiền của dành dụm mấy năm qua, vay ngân hàng mấy chục triệu đồng, dốc hết vào vụ nuôi tôm này, đến giờ tìm đỏ mắt cũng chẳng thấy một con tôm sú”. Còn CCB Nguyễn Văn Nguyên ở ấp Hoà Nhạn đang ngồi thu mình trong chòi coi tôm. Anh cũng là người khá thành công với mô hình luân canh lúa, tôm sú. Anh nghẹn ngào tâm sự: “Nuôi tôm theo mô hình quảng canh cải tiến trên diện tích gần 1 ha thả khoảng 100.000 con tôm giống, được chăm sóc cẩn thận nhưng tôm vẫn chết, vụ này tôi mất trắng vài chục triệu đồng”.
Tôm sú chết đồng loạt lây lan nhanh chóng trên diện rộng và còn tiếp tục tăng cao hơn nữa trong thời gian tới trở thành cú “nốc-ao”, khiến người nuôi tôm phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Không chỉ các hộ nuôi quảng canh bị thiệt hại, ngay cả những hộ nuôi công nghiệp, áp dụng kỹ thuật cao theo đúng quy trình kỹ thuật tôm cũng đều bị nhiễm bệnh chết đồng loạt. Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (MTSA) xã Liêu Tú, Trần Đề cho biết: “Đến giờ này, hiệp hội có trên 1.600 ha đã xuống giống và có tới trên 90% diện tích tôm chết do dịch bệnh. Các hội viên cứ thả tôm xuống là tôm lại bị dịch bệnh, bị chết, có những hộ đã thả 3 đến 5 lần, nhưng lần nào tôm cũng chết. Chưa bao giờ tình hình dịch bệnh trên tôm lại nghiêm trọng như năm nay”.
Qua khảo sát thực tế cho thấy tôm chết trên thân có đốm màu trắng, nắp mang bị dộp, mình màu đỏ, thường chết trong giai đoạn từ 10 - 60 ngày tuổi, tập trung nhiều ở những hộ nuôi tôm sú theo mô hình quảng canh cải tiến. Theo các chuyên gia, phần nhiều tôm đã bị nhiễm vi-rút MBV (không có sức đề kháng, chậm lớn), đốm trắng, đỏ thân… chất lượng không đảm bảo. Ngoài ra, còn do yếu tố thời tiết, môi trường là trong một tháng có nhiệt độ ban ngày tăng rất cao kéo dài, làm môi trường thay đổi mạnh nên các ao nuôi bị mất màu, lượng vi khuẩn có hại tồn tại trong nước phát triển mạnh, cùng với mật độ nuôi khá dày, sức đề kháng của tôm suy giảm và các loại dịch bệnh có điều kiện phát triển gây bệnh cho tôm.
Một điều đáng lo ngại là hiện nay, vẫn chưa biết chính xác tôm sú ở Sóc Trăng đang bị bệnh gì? Ông Nguyễn Văn Khởi, Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, theo kết quả phân tích của Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 2, bệnh đốm trắng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, còn lại là bệnh trên gan. Hiện trung tâm tiếp tục lấy thêm các mẫu mới về xét nghiệm xem con tôm đang bị tàn phá bởi vi-rút nào là chính và khẩn trương nghiên cứu tìm ra những loại thuốc thích hợp để trị bệnh trên con tôm.
Bài và ảnh: Phương Nghi