Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, tỉnh Đồng Tháp là một trong những chiến trường ác liệt của ĐBSCL. Nhân dân địa phương chịu nhiều hy sinh, tổn thất. Qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn, Đồng Tháp có 14.588 gia đình liệt sĩ; 7.556 thương binh, 355 bệnh binh, 638 Bà mẹ VNAH… Tỉnh đang quản lý 44.668 đối tượng chính sách, trong số này có không ít người lâm vào cảnh khó khăn về kinh tế, điều kiện sống thiếu thốn, rất cần được giúp đỡ.
Những năm qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Tháp luôn chủ động trong các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa". Liên tục nhiều nhiệm kỳ, vấn đề nhà ở cho gia đình chính sách nghèo được BCH Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp xem là nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện rõ trong những chương trình hành động của mình. Cả hệ thống chính trị được huy động để chung tay chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách. Chủ trương xã hội hóa công tác "Đền ơn đáp nghĩa" nhận được sự nhất trí, đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân; nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hết lòng ủng hộ.
Tính đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được gần 90 tỷ đồng. Nguồn quỹ này cộng với ngân sách Nhà nước, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã xây dựng gần 3.000 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, trị giá gần 100 tỷ đồng; sửa chữa hơn 900 căn nhà, trị giá hơn 10 tỷ đồng.
Điều đáng phấn khởi là hầu hết các gia đình chính sách được hỗ trợ về nhà ở đều nêu cao ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhiều hộ thoát nghèo, làm giàu chính đáng, trở thành tấm gương điển hình ở địa phương, khu vực mình sinh sống.
Mục tiêu giải quyết vấn đề nhà ở cho gia đình chính sách nghèo của tỉnh Đồng Tháp đã sắp tới đích. Đạt được kết quả như vậy là nhờ sự nỗ lực, chung sức, chung lòng, quyết tâm lớn của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Đó cũng là biểu hiện sinh động của lòng tri ân và đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, cách làm của tỉnh Đồng Tháp hi vọng sẽ được nhân rộng ra khắp cả nước, để các gia đình chính sách đều nhận được sự quan tâm, chia sẻ những khó khăn từ chính quyền địa phương, từ cộng đồng, giúp họ ngày càng vững tin vào cuộc sống, tin vào tương lai tốt đẹp.
Hoàng Nghĩa