Nội dung vụ việc
Cuối năm 2007, vợ chồng ông Tô Văn Nho (sinh năm 1962) và bà Trần Thị Hạnh (Sinh năm 1970), ngụ xã Xuân Bảo, Cẩm Mỹ, Đồng Nai cần vay 50 triệu đồng của ngân hàng để làm ăn. Do không quen làm các thủ tục vay tiền ngân hàng, nên vợ chồng ông Nho nhờ bà Nguyễn Kim Lý (sinh năm 1968, ngụ Long Thành, Đồng Nai làm nghề môi giới bất động sản) vay hộ. Bà Lý đồng ý và cầm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số K123803 thửa đất 5.707m2 tọa lạc tại xã Xuân Bảo, Cẩm Mỹ, Đồng Nai của vợ chồng ông Nho để đi làm thủ tục vay ở Ngân hàng. Biết ông Trần Đình Hòa (sinh năm 1975 là Giám đốc Cty Vạn Tín, 386 Huỳnh Văn Bánh, Phú Nhuận, TP HCM) quen biết ở ngân hàng hơn bà Lý đến nhờ ông Hòa và vay 50 triệu đồng của ông Trần Đình Hòa đưa trước cho vợ chồng ông Nho.
Vì tài sản thế chấp của ông Nho là đất nông nghiệp nên ông Hoà yêu cầu vợ chồng ông Nho phải sang tên cho mình thì mới đủ điều kiện thế chấp vay tiền theo quy định của ngân hàng. Do cũng đang có nhu cầu vay tiền ông Hòa đề nghị với bà Lý để ông dùng GCNQSDĐ của ông Nho thế chấp vay ngân hàng 70 triệu đồng (nhiều hơn số tiền mà ông Nho cần vay 20 triệu đồng). Ông Hoà thỏa thuận lãi của ai người đó trả, sau 03 năm ông sẽ rút GCNQSDĐ ra trả lại cho vợ chồng ông Nho.
Sáng ngày 27/12/2007, bà Lý hẹn vợ chồng ông Nho và ông Hòa tới Phòng công chứng (PCC) số 4 (huyện Long Thành, Đồng Nai) để ký Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ từ của vợ chồng ông Nho sang cho ông Hòa. Nhưng vợ chồng ông Nho vắng mặt. Tuy nhiên, ông Hòa vẫn được bà Lý đưa vào gặp Công chứng viên (CCV) Trần Đình Khương để ký tên vào “bên mua” trên hợp đồng với giá chuyển nhượng là 700 triệu đồng. Sau đó ông Hòa lấy 50 triệu đồng tiền riêng của ông đưa cho bà Lý, để bà Lý đưa cho vợ chồng ông Nho vay.
Chiều cùng ngày, vợ chồng ông Nho đến PCC số 4. Bà Lý đón đưa vào gặp CCV Trần Đình Khương để ký tên “bên bán” chuyển nhượng QSDĐ sang cho ông Hòa và nhận tiền vay 50 triệu đồng (ông Nho trả cho bà Lý 6 triệu đồng “phí” vay tiền).
Mấy ngày sau bà Lý gọi ông Hòa xuống Long Thành nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ nói trên. Sau đó ông Hoà đã đem hợp đồng và giấy chứng nhận QSDĐ đến ngân hàng Quân đội (MB Bank) chi nhánh Long Thành thế chấp vay tiền. Tuy nhiên MB Bank từ chối, vì tài sản thế chấp là QSDĐ không phài do ông Hòa đứng tên. Ông Hoà gọi bà Lý đến làm thủ tục sang tên GCNQSDĐ của ông Nho cho Hoà. Bà Lý đồng ý và yêu cầu ông Hoà chuyển lại hồ sơ cùng 20 triệu đồng để đóng thuế và phí làm dịch vụ trọn gói. Ông Hòa đồng ý, bà Lý nhờ Hoàng Kim Sơn (Sáng Tàu) - người bà quen - thực hiện.
Tuy nhiên, Hoàng Kim Sơn đã tự ý thực hiện một hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ khác với giá chuyển nhượng là 200 triệu đồng, đã được Chủ tịch UBND xã Xuân Bảo ký xác nhận. Sau đó, Hoàng Kim Sơn dùng hợp đồng do mình tự ý thực hiện để làm thủ tục chuyển QSDĐ sang tên cho ông Hòa tại UBND huyện Cẩm Mỹ (không có chữ ký của ông Hòa, đại diện người mua). Phía cơ quan điều tra cũng không xác định được có phải chữ ký của vợ chồng ông Nho ký tên bên bán hay không.
Theo bà Lý khai tại tòa, thì toàn bộ thủ tục chuyển tên cho ông Hòa trong GCNQSDĐ sau này là do Hoàng Kim Sơn làm với phí dịch vụ là 20 triệu đồng.
Sau khi nhận được GCNQSĐ mang tên mình từ bà Lý, ông Hòa đã tiến hành làm thủ tục thế chấp tại MB Bank Long Thành để được vay 500 triệu đồng…
Còn vợ chồng ông Nho, khi lo được đủ tiền trả nợ đến trả nợ, đòi lại GCNQSDĐ thì mới biết chuyện Hoàng Kim Sơn lợi dung lừa đảo.
Ông Nho làm đơn tố cáo ông Hòa có hành vi lừa đảo. Ngày 30/7/2013, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cẩm Mỹ đã khởi tố bị can đối với ông Hòa và bắt tạm giam vào ngày 6/12/2013 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 22/7/2014, Tòa án nhân dân huyện Cẩm Mỹ xét xử sơ thẩm hình sự, đã tuyên án bị cáo Hòa 6 năm tù giam về tôi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Có dấu hiệu oan sai, lọt tội phạm trong vụ án?
Phân tích các dấu hiệu tội phạm trong vụ án, Luật sư Hoàng Long Hà cho rằng:
Về mặt chủ quan của tội phạm: Để truy tố ông Hoà về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì cần phải xác định ý thức chủ quan của bị cáo có động cơ mục đích chiếm đoạt tài sản hay không?
Do thực sự có nhu cầu cần vay vốn để thực hiện dự án làm các công trình quảng cáo, ông Hoà thực tế đã từng thế chấp tài sản (căn nhà của gia đình mình, cùng 1 số tài sản khác) để vay tiền ngân hàng, nhưng vẫn không đủ vốn. Vì vậy khi nghe bà Lý nói ông Nho nhờ vay vốn 50 triệu và đồng ý thế chấp GCNQSDĐ, thì ông Hoà muốn thông qua GCNQSDĐ của ông Nho để mình được vay thêm tiền thực hiện dự án.
Để thực hiện ý định này, ông Hoà đã nói với bà Lý yêu cầu vợ chồng ông Nho làm thủ tục chuyển nhượng và sang tên QSDĐ (giả cách) cho mình để thuận tiện trong việc vay vốn từ ngân hàng (như diễn biến đã nêu trên).
Vì làm ăn thất bát không có tiền trả ngân hàng, dẫn đến việc chậm trễ trả lại GCNQSDĐ cho ông Nho, nhưng ông Hòa vẫn trả lãi vay cho MB Bank đầy đủ. Nay ông Hoà đã chứng minh việc có tài sản để thế chấp vào MB Bank để giải chấp rút GCNQSDĐ ra trả lại cho ông Nho. Phía MB Bank cũng đã có Biên bản làm việc với ông Hoà, chấp nhận đề nghị của ông Hoà dùng tài sản khác thế chấp thay cho GCNQSDĐ của ông Nho.
Như vậy, về ý thức chủ quan ông Hoà không có mục đích chiếm đoạt tài sản của vợ chồng ông Nho.
Mặt khách quan của tội phạm: Ông Hoà không có hành vi lừa đảo ông Nho. Bởi vì, việc ký kết và chứng thực Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa ông Nho và ông Hòa tại PCC số 4, ông Hoà đã đề nghị bà Lý nói với ông Nho làm hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ sang cho mình để làm thủ tục vay vốn ngân hàng được thuận tiện. Sau đó ông Hoà đã không gặp trực tiếp ông Nho, cũng không trao đổi công việc trên với ông Nho. Việc bà Lý trao đổi với ông Nho như thế nào; việc vợ chồng ông Nho bà Hạnh đến ký hợp đồng tại PCC sau này ông Hoà cũng không chứng kiến, không biết.
Tuy nhiên, việc bà Lý khai tại cơ quan điều tra không biết đó là hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, chỉ nghĩ đó là hợp đồng ủy quyền cho Hoà là không đúng sự thật.
Bà Lý là trung gian môi giới giữa ông Hoà và ông Nho để hưởng tiền dịch vụ, trực tiếp thay mặt 2 bên liên hệ với PCC, dẫn hai bên đến gặp CCV để ký tên và nhận hợp đồng từ PCC giao lại cho ông Hoà; sau đó lại nhận lại hợp đồng và 20 triệu đồng từ ông Hoà để làm thủ tục sang tên GCNQSDĐ. Trong suốt quá trình thực hiện như vậy mà bà Lý nói là không biết đó là hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ là điều hoàn toàn phi lý. Trong việc ký hợp đồng chuyển quyền SDĐ từ vợ chồng ông Nho với ông Hòa, chính bà Lý là người giữ vai trò quan trọng.
Theo lời khai (trong bản khai) của CCV Trần Đình Khương, thì CCV đã làm đúng chức trách của CCV, làm đúng thủ tục mà pháp luật quy định trước khi khách hàng ký tên, tức là khách hàng được đọc lại hoặc nghe đọc lại, hiểu rõ nội dung hợp đồng rồi mới ký tên.
Mặc dù ông Nho bà Hạnh khai nhận không được đọc và cũng không được nghe đọc hợp đồng, chỉ nghĩ đó là hợp đồng thế chấp QSDĐ để vay tiền ngân hàng, nhưng ông Nho bà Hạnh không chứng minh được ngoài lời khai của chính mình. Trong khi đó, CCV đã chứng minh được bằng rất nhiều chữ ký và dấu lăn tay của ông Nho bà Hạnh trong hồ sơ công chứng như: phiếu yêu cầu công chứng, hợp đồng, sổ lưu …
Như vậy, có 2 khả năng xảy ra: Nếu lời khai ông Nho là đúng, thì CCV là người chịu trách nhiệm hình sự chính trong vụ án, vì từ việc chứng thực không đúng quy định (nếu có) của CCV mới dẫn đến hậu quả của vụ án. Nếu lời khai của CCV là đúng, thì vợ chồng ông Nho đã được đọc và hiểu rõ hợp đồng mà họ ký tên vào là hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, chứ không phải là hợp đồng thế chấp QSDĐ để vay tiền như họ khai báo.
Trong khi, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát huyện Cẩm Mỹ đã không chứng minh được CCV Khương làm sai thủ tục chứng nhận hợp đồng, do vậy phải được hiểu là CCV Khương đã làm đúng.
Như vậy, trong toàn bộ quá trình ký kết hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ này ông Hoà không lừa dối ông Nho bà Hạnh.
Đối với việc ký kết và chứng thực Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ tại UBND xã Xuân Bảo. Toàn bộ quá trình làm thủ tục đối với hợp đồng này ông Hoà không được bà Lý bàn bạc gì về việc lập và chứng thực hợp đồng này. Vì vậy ông Hoà không phải chịu trách nhiệm có liên quan đến hợp đồng này. Các cơ quan chức năng của huyện Cẩm Mỹ (cụ thể là VPĐKQSD Đất) đã căn cứ vào hợp đồng do UBND xã Xuân Bảo chứng thực để làm thủ tục sang tên từ ông Nho bà Hạnh cho ông Hoà trong GCNQSD đất. Như vậy ông Hoà cũng không thể chịu trách nhiệm đối với những hành vi của người khác, mà ông hoàn toàn không có liên quan.
Trong vụ án này nổi lên vai trò của ông Hoàng Kim Sơn là người đã trực tiếp nhận hồ sơ và tiền từ bà Lý để thực hiện việc chuyển QSDĐ sang tên cho ông Hòa. Tuy nhiên, Sơn đã không sử dụng hợp đồng mà ông Hòa và ông Nho đã ký tại PCC số 4 ngày 27/12/2007 để làm thủ tục sang tên GCNQSDĐ cho ông Hòa, Sơn đã tự ý thực hiện một hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ khác (mà ông Hòa không ký tên người mua, còn công an thì không xác định được có phải ông Nho bà Hạnh ký tên bên bán hay không) với giá chuyển nhượng là 200 triệu đồng để nhằm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước và đã được Chủ tịch UBND xã Xuân Bảo ký xác nhận. Sau đó, Sơn đã dùng hợp đồng do mình tự ý “soạn thảo” để làm thủ tục chuyển QSDĐ sang tên cho ông Hòa tại UBND huyện Cẩm Mỹ.
Từ những phân tích trên, Luật sư Hà cho rằng: “Tòa án nhân dân huyện Cẩm Mỹ tuyên án ông Hòa 6 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chưa thỏa đáng, Các cơ quan tiến hành tố tụng của huyện này có dấu hiệu xét xử oan sai với Trần Đình Hòa. Đồng thời, việc các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm chỉ xác định ông Hoàng Kim Sơn là nhân chứng trong vụ án là không chính xác, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”.
Chúng ta đều biết rằng, Luật pháp trọng chứng hơn trọng cung! Như những gì đã trình bày ở trên, cho thấy Trần Đình Hòa sẽ không thể phạm tội (nếu có), nếu không có hợp đồng ngụy tạo do Hoàng Kim Sơn tự ý soạn thảo (vì đều không có chữ ký thật của ông Hòa và ông Nho). Nếu không có sự tắc trách của cán bộ địa chính xã, của công chứng viên, của chủ tịch UBND xã...
Tuy nhiên, ở đây chúng tôi cho rằng, các cơ quan tư pháp của huyện Cẩm Mỹ đã hình sự hóa một vụ án dân sự. Đây cũng là điều băn khăn mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu lên khi nói về cải cách tư pháp và nâng cao chất lượng xét xử của hệ thống tòa án các cấp./.
LS Bá Trường