Theo đơn bà Nguyễn Thị Ngọc Dung (con gái liệt sĩ Nguyễn Văn Bển), trú tại khu phố 6, phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương trình bày thì sau giải phóng năm 1975, gia đình bà được giao 2.200m2 đất theo diện gia đình chính sách liệt sĩ tại cánh đồng Miễu Trắng, xã Phú Thọ. Thời điểm đó quy định của Chính phủ, gia đình nào có 1 liệt sĩ thì được cấp 1.100m2. Mẹ bà là cụ Huệ khi đó thờ cúng 2 liệt sĩ nên được giao 2.200m2. Kể từ khi được giao đất, gia đình bà đã cải tạo canh tác và thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ với nhà nước số diện tích được giao. Năm 2001, bà Huệ mất, phần vì khu ruộng Miễu Trắng hay bị ngập lụt, không một ai canh tác được nên con cái cụ Huệ có cho một số người cùng địa phương thuê lại.
Đến năm 2004, khu vực này bị thu hồi phục vụ cho dự án biệt thự nhà vườn cao cấp Phú Thịnh do Công ty CP tư vấn, đầu tư, xây dựng Bình Dương (BICONSI) là chủ đầu tư. Khi tiến hành GPMB, đền bù cho người có ruộng không hiểu sao gia đình cụ Huệ lại không được đền bù?
Theo bà Dung cho biết, số tiền đền bù đã được trả cho người thuê lại diện tích nhà bà và chính người thuê lại là ông Huỳnh Minh Lộc và Nguyễn Văn Cường có mang sang nhà bà 5 triệu đồng để “lại quả” và đề nghị bà không có kiện cáo gì nữa. Tuy nhiên, bà Dung vẫn thay mặt những thành viên trong gia đình có đơn khiếu nại.
Ngày 22-2-2010, UBND tỉnh Bình Dương có Quyết định số 653 giải quyết đơn khiếu nại của bà Dung. Theo đó, quyết định nêu: “Đất của gia đình bà Dung là đất có nguồn gốc do Nhà nước quản lý. Năm 1976, UBND xã Phú Thọ (nay là phường Phú Thọ) giải quyết cho bà Phạm Thị Huệ là gia đình chính sách được sử dụng một phần để canh tác trồng lúa (việc cho mượn không có giấy tờ). Bà Huệ sử dụng và cho thuê đến năm 2001 thì không sử dụng nữa. Phần đất này đã được UBND phường Phú Thọ lấy hoán đổi cho ông Huỳnh Minh Lộc sử dụng cho đến khi quy hoạch dự án khu biệt thự Phú Thịnh và ông Lộc được nhận tiền bồi thường”. Quyết định này cũng cho là đất không sử dụng đã bị thu hồi.
Nói về quyết định của tỉnh Bình Dương, bà Dung cho hay; quyết định không thấu tình đạt lý bởi diện tích đất của gia đình bà được canh tác liên tục từ khi được nhà nước giao cho đến khi mẹ bà mất năm 2001, sau đó gia đình cho người khác mượn để canh tác chứ không phải không sử dụng...
Cũng theo bà Dung, tại thời điểm đó, chưa có cấp thẩm quyền nào ra văn bản đình chỉ sản xuất khu ruộng và ra quyết định thu hồi diện tích 2.200m2 đất của gia đình bà. Điều này cũng được khẳng định trong biên bản làm việc của Thường vụ Huyện ủy thị xã Thủ Dầu Một, lập ngày 5-1-2006.
Bà Cao Thị Ngọc, sinh năm 1945 (nguyên là Trưởng ban phụ trách về thương binh xã Phú Thọ năm 1977, sau làm phó chủ tịch hai khóa và một khóa chủ tịch UBND xã Phú Thọ) cũng xác nhận với PV: “Vào những năm 1976-1980, tại địa bàn xã có 40 hộ thuộc gia đình chính sách, liệt sĩ, được hội đồng xét duyệt giao đất của xã đã xét cấp giao đất cho số hộ nêu trên canh tác, trong đó có hộ gia đình cụ Phạm Thị Huệ. Việc thực hiện giao đất theo chính sách giao đất cho gia đình thương binh liệt sĩ theo qui định tại Mục 4, Khoản D, Nghị định số 01/NĐ-75 ngày 5-3-1975 của chính phủ cách mạng lúc bấy giờ…
Trao đổi với PV, ông Lê Trung Huân, cán bộ địa chính phường Phú Thọ thừa nhận, trong số những hộ gia đình chính sách khiếu kiện đòi được đền bù khi thu hồi làm dự án, đã có những gia đình chính sách nhận tiền hỗ trợ là “đất công”. Ví như hộ bà Nguyễn Thị Bi phương án hỗ trợ là 187 triệu đồng, trong đó, số tiền bà Bi được nhận là 93 triệu đồng (hỗ trợ cho hộ chính sách 50% tổng số tiền).
Tìm hiểu của PV, năm 2006 UBND phường Phú Thọ đã từng tiến hành đo đạc thực địa diện tích thực tế thửa đất gia đình bà Dung sử dụng trước đây (khi có khiếu nại của bà Dung), thì diện tích thực tế khu ruộng khi đo lại là 2.271m2. Việc không lập danh sách đề bù là vì danh sách đền bù của Ban GPMB thị xã Thủ Dầu Một chuyển sang cho Công ty BICONSI không có tên gia đình bà Dung”… Vì vậy Báo CCB Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Bình Dương và các cơ quan liên quan cần sớm rà soát lại vụ việc này.
Bài và ảnh: Quốc Hưng