Cuộc đàm phán trực tiếp về thỏa thuận hạt nhân mang tên JCPOA ngày 6-4 được đánh giá là một bước đi mang tính xây dựng.
Những tín hiệu tích cực cho hòa bình, ổn định ở Trung Đông được phát đi liên tục từ các bên liên quan tới Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) về vấn đề hạt nhân của Iran, một thỏa thuận đạt được giữa nhóm P5+1 (Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ + Iran) năm 2015 để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran, nhưng Mỹ đã đơn phương rút lui năm 2018 khi ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ.
Mỹ làm đổ bể JCPOA thì lần này chính Mỹ đã chủ động chìa cành ô-liu hòa bình. Mọi việc diễn ra đều trong tuần qua khi phái đoàn của các nước liên quan tới JCPOA tề tựu về Vienna - thủ đô nước Áo, để họp Ủy ban hỗn hợp JCPOA và đàm phán nối lại JCPOA. Trước cuộc đàm phán này, Iran yêu cầu Mỹ phải dỡ bỏ mọi trừng phạt mà ông Donald Trump đã áp đặt, trong đó có lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ, trước khi Tehran có thể trở lại tuân thủ các cam kết. Trên mạng Twitter, Ngoại trưởng Iran - Mohammad Javad Zarif nêu rõ: "Mỹ - bên đã gây ra cuộc khủng hoảng này - phải là bên đầu tiên trở lại tuân thủ đầy đủ các cam kết. Iran sẽ hồi đáp sau khi xác minh Mỹ đã làm điều đó". Yêu cầu của Iran đã coi như có lời giải khi Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố chuẩn bị dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran nhằm nối lại việc tuân thủ đối với thỏa thuận hạt nhân, bao gồm các lệnh trừng phạt không phù hợp đối với thỏa thuận được ký năm 2015 này.
Tuy Bộ Ngoại giao Mỹ không cung cấp thông tin chi tiết về các bước chuẩn bị của Mỹ nhưng đó có thể coi là một tín hiệu vui cho việc nối lại đàm phán khôi phục JCPOA, nhất là trong bối cảnh Iran không chấp đồng ý gặp phía Mỹ ở Áo nhưng phái đoàn Mỹ chấp nhận họp “gián tiếp”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - Ned Price nhận định: Dù không họp trực tiếp với Iran, nhưng cuộc đàm phán này là một bước đi mang tính xây dựng, đáng hoan nghênh và hữu ích.
Về phía Iran, Tổng thống Hassan Rouhani cho rằng các cuộc đàm phán đã mở ra "một chương mới" trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Theo Tổng thống Iran, nếu Washington thể hiện sự chân thành và thiện chí thì quá trình đàm phán có thể sẽ không kéo dài. “Ông giơ chân giò” thì “bà thò chai rượu”! Trong một động thái nhằm giảm căng thẳng, Iran đã trả tự do cho tàu chở dầu của Hàn Quốc sau 3 tháng bắt giữ trong bối cảnh tranh cãi giữa hai nước về 7 tỷ USD tiền bán dầu của Iran bị Hàn Quốc đóng băng do các trừng phạt của chính quyền cựu Tổng thống Trump. Ngay sau quyết định này, Thủ tướng Hàn Quốc - Chung Sye-kyun đã tới Tehran ngày 11-4.
Tuy đã các bên đã “bắn” đi những tín hiệu tích cực, nhưng ngày 10-4, Iran vẫn nối lại việc làm giàu urani mà nước này tuyên bố là để giải quyết vấn đề năng lượng. Đây là một động thái vừa chứng tỏ năng lực làm giàu urani, vừa khiến các bên liên quan, kể cả Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), phải quan tâm. Trong chưa đầy 4 tháng, Iran đã sản xuất được 55 kg urani làm giàu ở cấp độ 20% và trong vòng 8 tháng, nước này có thể sản xuất được 120 kg urani làm giàu ở cùng cấp độ trên. Từ urani để phục vụ nhu cầu năng lượng tới chế tạo vũ khí hạt nhân cần một bước tiến dài. Thế nhưng, nếu còn thế đối đầu thì chỉ cần một cú huých Iran cũng có thể chuyển số năng lượng này thành vũ khí hạt nhân để tự vệ. Nếu điều đó thành sự thực, đó sẽ là một nguy cơ lớn cho hòa bình ở Trung Đông khi các quốc gia ở khu vực này luôn ở thế đối đầu trong hàng chục thập niên qua.
Tín hiệu cho hòa bình đã được phát đi nhưng hòa bình là điều không dễ dàng đạt được ở Trung Đông. Việc Iran tái khởi động việc làm giàu urani ở cấp độ cao vừa là phép thử với các bên liên quan trong JCPOA để tăng lợi thế đàm phán, vừa là bằng chứng cho thấy những khúc mắc của quá trình đàm phán. Cơ hội hòa bình trong tầm tay nếu đàm phán nối lại JCPOA lần thành thành công. Nếu không, sẽ không có cơ hội thứ hai cho dù Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố Mỹ sẽ tham gia trở lại JCPOA bởi sự kiên trì là có hạn.
Thanh Huyền