Hội CCB huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Ngân hàng CSXH tạo cơ hội cho hàng trăm hội viên được tiếp cận và vay vốn để phát triển kinh tế.
Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, các cấp Hội CCB Việt Nam luôn chủ động trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời có nhiều giải pháp trong thực hiện hoạt động ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Những hoạt động thiết thực và ý nghĩa này đã tạo điều kiện cho hội viên CCB có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng. Có thể nói, thời gian qua Hội CCB Việt Nam đã góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-1-2014 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, với mạng lưới rộng khắp, Hội CCB Việt Nam luôn đồng hành cùng Ngân hàng CSXH tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách thụ hưởng tín dụng ưu đãi của Chính phủ, phát huy ngày càng hiệu quả nguồn vốn vay, góp phần giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Hội CCB các cấp thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác vốn vay ưu đãi tại cơ sở; duy trì các tiêu chí thi đua về kết quả ủy thác vốn vay nhằm tạo động lực thúc đẩy việc nâng cao chất lượng ủy thác ở cơ sở; phối hợp với Ngân hàng CSXH rà soát, đánh giá lại toàn bộ nội dung công đoạn ủy thác để có giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác. Hội CCB ở nhiều địa phương đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền dành nguồn vốn ngân sách để chuyển sang Ngân hàng CSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay.
Tính đến nay, nguồn vốn vay ủy thác của các cấp Hội từ Ngân hàng CSXH đạt gần 2.316 tỷ đồng (đạt 92,6% kế hoạch là 2.500 tỷ đồng); tổng dư nợ ủy thác là hơn 40.284 tỷ đồng, với 1.085.620 hộ hội viên CCB, thuộc 30.136 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV); nợ quá hạn là 0,23%. Các Tổ TKVV sử dụng nguồn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH hoạt động hiệu quả, quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay, trả nợ gốc và lãi đúng kỳ hạn, không có hiện tượng phát sinh mới về xâm tiêu, vay ké, chiếm dụng vốn.
Ngoài ra, cùng với nguồn Quỹ nội bộ CCB giúp nhau không lãi hoặc lãi suất thấp hơn 2.088 tỷ đồng, vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm đã giúp cho hàng chục nghìn hội viên có hoàn cảnh khó khăn được vay với lãi suất thấp, góp phần tích cực hạn chế “tín dụng đen”.
Phát huy hiệu quả từ các nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội, nhiều CCB đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Đến nay, toàn Hội còn 47.550 hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, chiếm tỷ lệ 1,65% (giảm 0,31% so với năm 2020); tỷ lệ hộ khá và giàu là 56,9%.
6 tháng đầu 2021, các tỉnh, thành Hội phối hợp với Ngân hàng CSXH địa phương tổ chức 450 lớp tập huấn nghiệp vụ vay vốn cho 16.320 cán bộ, hội viên và Tổ trưởng TKVV. Hơn 18.200 CCB được tham gia 475 lớp tập huấn xóa đói, giảm nghèo do Sở LĐTBXH phối hợp tổ chức. Ngành Nông nghiệp địa phương hỗ trợ tổ chức 610 lớp tập huấn về khoa học - kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 22.960 CCB.
Việc thành lập các Câu lạc bộ CCB làm kinh tế giỏi, sáng tạo mô hình phát triển kinh tế trên các lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh... đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, gương mẫu của hội viên CCB trong thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế của địa phương, tạo sức lan tỏa, góp phần nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trên từng địa bàn. Hiện nay, toàn Hội có 8.350 doanh nghiệp, 1.604 HTX; 3.265 Tổ hợp tác; 174.240 trang trại, gia trại và hộ kinh doanh dịch vụ do CCB làm chủ, thu hút gần 705.000 lao động. Thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế, đặc biệt là vay vốn xóa đói, giảm nghèo đã giúp hội viên CCB gắn bó với Hội và tích cực tham gia các phong trào ở địa phương.
Kết quả trên đã khẳng định, việc triển khai vay uỷ thác tín dụng chính sách xã hội hiệu quả đã phát huy vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác tín dụng chính sách xã hội, tạo cơ hội, đòn bẩy cho các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng, trong đó có sự đóng góp tích cực của Hội CCB các cấp.
Phát huy vai trò “cầu nối” trong việc đưa nguồn vốn vay ưu đãi đến với hội viên, các cấp Hội CCB cả nước đã tích cực vận động cán bộ, hội viên không ngừng phát huy tính tự lực, tự cường trong sản xuất, phát triển kinh tế, đẩy mạnh các phong trào giúp đỡ nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, góp phần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW theo Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư ban hành ngày 10-6-2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Hồ Thanh Hương