Ông là Đại tá Lê Văn Trọng, bà là đại uý Lê Thị Điểm, ở trong căn hộ khiêm nhường trên tầng hai ngôi nhà cũ của khu tập thể Trung Tự, Hà Nội. Ông bà sống hạnh phúc giữa đời thường như bao người, rất vui tính mà khiêm nhường, khuôn mặt dịu hiền đã tàn tạ vì tuổi già, chẳng ai có vẻ gì là những "Lion-Lova" (sư tử) như kẻ thù thường gọi những chiến sĩ quân báo anh hùng bao lần "vào sinh ra tử", trải bao tra tấn dã man trong nhà tù Mỹ - ngụy... Hai người đều hoạt động bí mật trong lòng địch giữa quê hương từ ngày tuổi trẻ, nhưng chưa hề biết về nhau.
Cuối 1954, cô gái Sáu Dung trẻ trung, tài trí và gan dạ tập kết ra miền Bắc khi đang mang thai đứa con thứ ba; còn chồng là một cán bộ đã ở lại cùng hai đứa con nhỏ. Ra miền Bắc, là để làm giao thông viên, đã bao lần bằng đường bộ, qua cả Cam-pu-chia bí mật về miền Nam hoạt động xây dựng cơ sở, rồi gửi con ở lại, sẵn sàng hy sinh tính mệnh vì nhiệm vụ để 5 lần vượt biển Đông sóng dữ đầy cạm bẫy của quân thù vào tận Sài Gòn lần tìm dấu vết về một cán bộ tình báo có tên là Trịnh Hà mang tài liệu tuyệt mật đột ngột "mất tích". Lúc đó, không ai biết Trịnh Hà đang bị nhốt trong lao 3F2 Chí Hoà, chính là "anh Trọng" bây giờ.
Anh thanh niên Lê Văn Trọng, hồi hoạt động bí mật giữa lòng quê hương đất Quảng, đã kết duyên cùng cô thợ may Trà Thị Tâm - cũng là một cơ sở bí mật trung kiên của cách mạng. Năm Mậu Thân (1968), anh chị sinh con trai đặt tên là Lê Văn Hùng... Ba Trọng hoạt động bí mật, đi biền biệt, đến cuối năm 1971 trong chuyến vào Sài Gòn nhận tài liệu mật rồi quay ra Nha Trang, thì không gặp được giao thông viên. Bị "đứt mối", phải lộn trở lại, nhưng vào đến trạm Cát Lái thì bị quân cảnh bắt đưa về trung tâm thẩm vấn cảnh sát mật vụ Gia Định, rồi vào khám Chí Hoà, vì trong người mang căn cước giả Trịnh Hà - nhà doanh nghiệp. Rất may là bị tống ngay vào xà lim, nên kịp thủ tiêu được cuốn tài liệu đặc biệt. Địch tra tấn, trước sau anh chỉ một lời khai: mang căn cước giả để trốn quân dịch. Kẻ thù nham hiểm, ra tận Đà Nẵng bắt vợ anh - chị Trần Thị Tâm, mang theo cả đứa con nhỏ dại vào nhà giam của Cục An ninh quân đội Sài Gòn ở 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm tra tấn, vì chúng vẫn nghi "là điệp báo của cộng sản". Chị Tâm bị đánh đập hết sức dã man không hề khai báo điều gì cho đến khi tắt thở ngày 24-6-1973, lúc ấy đứa con 5 tuổi của anh chị ngóng mẹ ở ngoài cửa phòng giam. Ông bà ngoại phải vào nhận xác chị, đón cháu về nuôi...
Chị đã hy sinh oanh liệt vì tính mạng chồng, vì tình yêu riêng và tình yêu cách mạng. Còn anh và tài liệu mang theo là tuyệt mật và cực kỳ quan trọng đột ngột "mất tích", nên trung tâm đã điện cho các trạm nghiệp vụ tìm kiếm, đồng thời phái ngay nữ giao thông trinh sát "con thoi" Sáu Dung theo đường biển vào Sài Gòn tìm dấu vết... Chuyến đi đầu, chị thu thập được một số nguồn tin giúp cho trung tâm phán đoán nguyên nhân Trịnh Hà bị đứt liên lạc. Mỗi lần đi là một lần "tính mệnh treo đầu sợi tóc", nhưng chị dứt nỗi nhớ thương các con vì nhiệm vụ cứu tìm đồng chí mình, cũng là trả thù nhà, nợ nước.
Cô gái Sáu Dung nhỏ nhắn ấy làm sao quên được năm 1968, cô bị bắt ở Bà Rịa, đã trải qua cực khổ thế nào khi nằm ở nhà tù Biên Hoà; rồi những năm cùng chồng gian khổ hoạt động trong lòng địch ở Quảng Đà... Chồng chị chính là anh Lê Long Châu, Tỉnh uỷ viên Quảng Ngãi, đã hy sinh anh dũng trong nhà lao Quảng Ngãi ngày 1-3-1958, sau lần về cơ sở tổ chức phong trào đã bị địch bắt. Hai đứa con của anh chị còn nhỏ mất cha, xa mẹ cũng đang ở miền Nam... Ra Bắc, Sáu Dung lại vượt đường biển bằng thuyền trở lại "hộp thư" ở quận 1 Sài Gòn, rồi lại lặn lội ra Bắc chờ "hồi âm". Địch ngày càng phong toả chặt đường biển, nhưng Sáu Dung trên con thuyền nhỏ lại quay vào lần nữa tìm đến điểm hẹn. Lần thứ 3 này, Sáu Dung mừng vì đã gặp được cơ sở, trước khi quay ra Bắc...
Đã mấy lần vượt biển vào, nhưng người đồng chí mà chị chưa biết mặt đang lâm nạn vẫn chờ mong "chi viện", thì chị cũng từng phút mong chờ "tín hiệu" từ Nam gọi ra để chị xin trở về! Như một con thoi, lần này chị lại vào Sài Gòn mang "hàng" kịp thời "tiếp sức" cho anh. Trịnh Hà sau khi thuê được hai luật sư của toà thượng thẩm Sài Gòn bào chữa, rằng: "... mục đích của việc sử dụng (căn cước) giả mạo này không ngoài việc trốn tránh quân địch, chớ không phải là nhằm các hành vi chính trị có lợi cho đối phương..." nên mới được ra tại ngoại...
Qua các lần "con thoi" vào tìm người đồng đội, đồng chí, cũng là đồng hương "mất tích", mà Sáu Dung nắm được những tin xác đáng về lòng trung thành của Trịnh Hà, hiểu rõ về vợ con của anh.. Và tin mừng được thông báo cho các nơi biết, đã tìm được người "mất tích"... Rồi cuộc Tổng tiến công mùa Xuân nổ ra giục giã. Sáu Dung đi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, lần này lên xe cơ giới theo quốc lộ 1 đột nhập sớm vào Sài Gòn. Trong niềm hân hoan của cả nước sau ngày miền Nam được giải phóng, hai chiến sĩ quân báo Sáu Dung - Trịnh Hà được công khai gặp mặt giữa Thủ đô trong nước mắt của nỗi đau do chiến tranh. Vợ anh, chị Tâm đã bị bọn an ninh nguỵ giết hại, để lại cháu Lê Văn Hùng bé bỏng. Còn chồng chị - anh Lê Long Châu - đã hy sinh vì cách mạng, để lại cho chị 3 đứa con. Bốn người con của vợ chồng anh, vợ chồng chị nay đứa mất cha, đứa không còn mẹ, có 3 đứa chưa về... Còn anh và chị, cả hai trên mình phải mang nhiều thương tích, chồng nặng cả nỗi đau của vết thương lòng do kẻ thù gây ra. Vượt lên mọi hy sinh, cao hơn cả tình yêu, tình đồng đội sinh tử, anh chị thành đôi bạn đời để cùng nhau đi tìm đón các con về đoàn tụ và chung sức chăm sóc cho các con.
Ba mối tình hoà quyện càng thêm nồng ấm trong một gia đình đã nở hoa hạnh phúc: Bốn người con của ba mối tình, anh Lê Văn Hùng đã tốt nghiệp đại học ở Cộng hoà Séc, học tiếp cao học. Các con Lê Thị Vân, Lê Minh Thanh, Lê Long Thành cũng đều là kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, đều là đảng viên... Ông bà Lê Văn Trọng, Phạm Thị Điểm như trẻ lại giữa đàn các con dâu - rể, cháu nội - ngoại sum vầy...
NGUYỄN HẢI