Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2010 của Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, nhập siêu quý 1-2010 ước đạt 3,6 tỷ USD và chiếm 25,6% kim ngạch xuất khẩu. Ước tính xuất khẩu của quý I - 2010 đạt 14 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2009, trong khi nhập khẩu 3 tháng qua đã lên tới 17,5 tỷ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ. Như vậy, nhập siêu trong 3 tháng đầu năm nay ước khoảng 2,16 tỷ USD. Tỷ lệ nhập siêu trên tổng kim ngạch nhập khẩu đã lên tới 25%. Thực ra, nếu nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất thì chẳng có gì đáng phải lo ngại, song cũng có nhiều mặt hàng không phải vật tư, nguyên liệu sản xuất tăng đột biến về giá đã ảnh hưởng lớn đến cán cân xuất nhập khẩu.

Theo Bộ Công Thương, giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái là một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch nhập khẩu tăng cao. Chẳng hạn, giá xăng dầu các loại tăng 48,2%, khí đốt tăng 44,8%, chất dẻo nguyên liệu tăng 43,2%; sợi các loại tăng 34,6%; phôi thép tăng 18,9%; kim loại thường tăng 53,0%... Bên cạnh đó, những yếu kém nội tại của nền công nghiệp trong nước vẫn chưa được khắc phục, nhiều công trình dự án được triển khai một cách ì ạch, sự lệ thuộc quá mức vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, tâm lý sính ngoại của các nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nước… là những nguyên nhân khác nữa làm cho việc kiểm soát nhập siêu vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Bàn về giải pháp chống nhập siêu, Bộ Công Thương luôn khẳng định đã thực hiện các biện pháp nhằm vào các mặt hàng hạn chế nhập khẩu như hàng tiêu dùng, ôtô, điện thoại di động… bằng cách áp dụng cơ chế cấp phép nhập tự động, kiểm soát nhập khẩu bằng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Tuy nhiên, nhập siêu rõ ràng là vấn đề nghiêm trọng nếu xét theo yêu cầu của Chính phủ, tỷ lệ dưới 20% so với xuất khẩu. Không thể giảm nhập siêu bằng biện pháp thương mại mà phải dùng các biện pháp công nghiệp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc hạn chế nhập siêu bằng hạn chế nhập khẩu các mặt hàng kể trên, ở chừng mực nào đó có tác dụng, song sẽ không đóng vai trò quyết định, bởi đây đều là các mặt hàng tiêu dùng, lượng và giá trị nhập khẩu chủ yếu do cung cầu trong nước quyết định. Biện pháp chủ yếu để giảm nhập siêu, theo các chuyên gia vẫn là tăng xuất khẩu, tận dụng triệt để cơ hội trên các thị trường. Còn về dài hạn, cần thực hiện xúc tiến đầu tư có trọng điểm, kêu gọi và có cơ chế ưu đãi các doanh nghiệp nước ngoài vào VN xây dựng và phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là cho các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, điện tử, nhựa…

Cùng với đó, cần có chính sách đầu tư duy trì chất lượng hàng hóa, bởi việc hàng Việt Nam chinh phục được người sử dụng (cả trong nước và xuất khẩu) sẽ góp phần giúp tốc độ xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu, dẫn tới giảm nhập siêu.

Nguyễn Hoàng