Có việc giả mạo hồ sơ tuyển dụng lao động!
Theo nội dung tố cáo của ông Thái Văn Thắng-Phó giám đốc Công ty CP Cromit Cổ Định Thanh Hóa-TKV (Cty Cromit Cổ Định), có trụ sở tại xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa phản ánh: Ông Phạm Minh Quân-nguyên Giám đốc Công ty và Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tổ chức lao động tiền lương và một số cán bộ khác trong Cty đã cố tình làm giả hồ sơ có tổ chức để chiếm đoạt hàng tỷ đồng tiền bảo hiểm của người lao động.
Về nội dung tố cáo này, ngày 17-3-2014, Bộ Công thương có kết luận Đơn tố cáo số 2013/KL-BCT cho thấy: Kiểm tra hồ sơ, số lao động mùa vụ được Cty ký hợp đồng lao động từ tháng 11-2011 là 233 người, năm 2012 là 1.991 người, tổng 2 năm 2011 và 2012 là 2.224 người.
Theo số liệu Cty báo cáo: Năm 2011, Cty đã ký Hợp đồng lao động (HĐLĐ) mùa vụ với 233 lao động, tương đương với 233 lượt ký HĐLĐ. Trong đó, 141 lượt lao động chuyển sang năm 2012 để tiếp tục công việc khai thác quặng bằng phương pháp thủ công. Trong năm 2012, Cty đã ký HĐLĐ mùa vụ với 1.360 lao động tương đương với 2.132 lượt ký (bao gồm 1.991 lượt lao động ký năm 2012 và 141 lượt lao động ký năm 2011 chuyển sang).
Do việc ký HĐLĐ đối với lao động mùa vụ trên hai lần trong một năm nhưng không chuyển sang hình thức ký HĐLĐ không xác định thời hạn mà vẫn thực hiện ký tiếp HĐLĐ thời hạn 3 tháng cho người lao động là vi phạm quy định pháp luật về lao động.
Đáng chú ý, Kết luận nội dung Đơn tố cáo số 2013 đã chỉ ra một số trường hợp lao động xác nhận không ký HĐLĐ mùa vụ với Cty, nhưng trong HĐLĐ lại xuất hiện có chữ ký giả mạo, không phải là chữ ký của người lao động. Điển hình như: Bà Trần Thị Hường, bà Lê Ngọc Anh, ông Lê Văn Doanh… có xác nhận: “Tôi nhận lương của Cty từ Tổ trưởng của phân xưởng Mỹ Cái nhưng chữ ký trong Bảng thanh toán tiền lương hằng tháng không phải là chữ ký của tôi. Do thời gian dài nên tôi không nhớ chính xác số tiền thực nhận. Tuy nhiên, số lương tôi thực nhận không đúng như Bảng thanh toán tiền lương hằng tháng của Cty”.
Căn cứ những nội dung trên, Bộ Công thương xác định, tố cáo của ông Thắng là một phần đúng thực tế.

“Chặn” tiền BHXH của người lao động?
Căn cứ một số quy định của pháp luật về đóng BHXH và hoạt động Công đoàn, Bộ Công thương kết luận việc Cty trả lương trực tiếp cho người lao động trong đó đã bao gồm các khoản trích theo lương cho người lao động mà không trích nộp BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí Công đoàn là sai quy định. Chỉ tính riêng trong 2 năm (2011 và 2012), Cty đã thanh toán trong lương và trả cho người lao động số tiền gần 2,6 tỷ đồng.
Năm 2012, Cty này còn thực hiện phương án tính đơn giá tiền lương cho 1 tấn sản phẩm quặng khai thác thủ công Cr2O3 40%, đưa ra, định mức tính BHXH cho người lao động là 16% mức tiền lương. Điều này trái với quy định của Luật BHXH và Nghị định 152/2006/NĐ-CP bởi mức đóng BHXH thời điểm này là 17%.
Do vậy, Kết luận của Bộ Công thương chỉ ra mức tiền đóng BHXH năm 2012 phía Cty phải trích nộp là trên 1,9 tỷ đồng, lệch so với số liệu Cty báo cáo là trên 112 triệu đồng. Tổng số tiền BHXH, BHYT, BHTN Cty phải nộp cơ quan Bảo hiểm của 2 năm là gần 2,5 tỷ đồng, tiền kinh phí công đoàn là trên 235 triệu đồng.
Liên quan đến tiền lương, Bộ Công thương cũng kết luận: tổng số tiền lương trả cho số lượt lao động tham gia khai thác quặng thủ công (từ tháng 11-2011 đến hết tháng 12-2012) là trên 21 tỷ đồng (trong đó, lao động có thời hạn là trên 448 triệu đồng và lao động thời vụ là gần 21 tỷ đồng).
Căn cứ những sai phạm trên, Bộ Công thương chỉ rõ trách nhiệm quản lý chung để xảy ra những sai phạm thuộc trách nhiệm ông Phạm Minh Quân (nguyên Giám đốc Cty) là người đứng đầu Cty. Kế đó là Kế toán trưởng Nguyễn Thị Oanh-Phó giám đốc kiêm Trưởng Ban Quản lý dự án-Phạm Thành Trung và một số trưởng bộ phận chuyên môn.
Từ đó, Bộ Công thương giao Kế toán trưởng của Cty là bà Nguyễn Thị Oanh chịu trách nhiệm về việc không quản lý chặt chẽ cán bộ cấp dưới thực hiện phát lương cho lao động mùa vụ, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xử lý việc đóng BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ. Trưởng phòng Tổ chức Lao động tiền lương Nguyễn Văn Luận chịu trách nhiệm về những sai sót trong công tác tổ chức, ký HĐLĐ mùa vụ, chấm công, chia lương,…
Với những sai phạm cụ thể, Bộ Công thương giao Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) giám sát các hoạt động chung của Cty, trong đó có chính sách về lao động và tiền lương.

Đi tìm lời giải cho xử lý sau kết luận
Mặc dù Kết luận nội dung Đơn Tố cáo được Bộ Công thương ban hành gần 2 năm nay, PV Báo CCB Việt Nam đã rất cố gắng liên hệ với TKV và Cty để có những thông tin xử lý sau kết luận.
Tuy nhiên, sau hơn một tháng gửi nội dung làm việc và đề nghị cung cấp các văn bản, ngày 16-12-2015, TKV mới có Văn bản 6164/TKV-VP trả lời Báo CCB Việt Nam. Điều đáng nói, văn bản trả lời này chỉ thể hiện ở dạng báo cáo, không có nội dung chi tiết và không gửi kèm hồ sơ. Phía TKV cho biết: Cty “Đã chấm dứt hết các đối tượng hợp đồng mùa vụ theo trình tự của Bộ Luật lao động” và “Đã thực hiện và phát hành Sổ lương cá nhân”.
Nói là vậy nhưng qua trao đổi với người dân xóm 5, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn (địa chỉ phân xưởng Mỹ Cái), một người dân cho biết: “con tôi cũng làm việc ở mỏ Cty Cromit và đóng BHXH được 3 tháng thì phải dừng. Hiện cháu phải đi làm ở nơi khác để đóng bảo hiểm vào”.
Mặc dù nội dung kết luận nêu nhiều sai phạm và việc tố cáo có nhiều phần đúng, nhưng ông Thái Văn Thắng tỏ ra chưa hài lòng với kết luận. Ông cho rằng: Kết luận còn xa rời thực tế. Việc giả mạo hồ sơ Hợp đồng lao động mùa vụ là có thật, việc nhập nhèm trong chi trả tiền lương là có thật. Tuy nhiên, con số và độ nghiêm trọng đến mức nào thì kết luận chưa làm rõ. Chính vì vậy, không biết đã có bao nhiêu tỷ đồng tiền bảo hiểm và tiền lương chênh lệch giữa người nhận và bảng lương thanh toán cho công nhân bị một số người có cơ hội chiếm đoạt?
Ngoài kết luận về nội dung tố cáo lao động, tiền lương, Bộ Công thương còn kết luận nhiều nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư dự án… của Cty CP Cromit Cổ định Thanh Hóa-TKV. Các nội dung này sẽ được Báo CCB Việt Nam phản ánh trong các số báo tiếp theo.
Bài và ảnh: Doanh Chính- Hoàng Thanh