Bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm đang được dư luận trong nước và quốc tế  đặc biệt chú ý, tạo hứng khởi mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều CCB cho rằng, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư đã tiếp sức cho họ phát triển kinh tế tư nhân.

Tuần qua, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề “Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, được dư luận trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm. Một số cơ quan báo chí ở nước ngoài đã giới thiệu bài viết này.

Mở đầu bài viết, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định vai trò trụ cột của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) và quan điểm của Đảng ta đối với phát triển KTTN.  Theo Tổng Bí thư, với gần 1 triệu doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, KTTN hiện đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội, khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách Nhà nước và tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế. Trên hành trình gần 40 năm Việt Nam đổi mới kiên cường, bứt phá và khát khao phát triển, KTTN không chỉ giúp Việt Nam tăng thu nhập trung bình đầu người trên 50 lần, mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, mà còn chứng tỏ rằng nếu có môi trường phát triển thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn xa, cạnh tranh sòng phẳng với thế giới.

Tuy nhiên, theo đồng chí Tổng Bí thư thì “KTTN hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Nhiều hộ kinh tế cá thể vẫn theo nếp kinh doanh cũ, thiếu động lực phát triển thành doanh nghiệp, thậm chí "không muốn lớn".

Sau khi phân tích nguyên nhân dẫn đến những hạn chế và nguyên nhân kìm hãm sự phát triển cả về lượng và chất của KTTN Việt Nam, Tổng Bí thư đã khẳng định sứ mệnh của KTTN như là động lực quan trọng hàng đầu của đất nước về tăng trưởng GDP, tăng năng suất lao động, tạo công ăn việc làm; lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới; lực lượng chủ lực, đi đầu trong ứng dụng công nghệ và đổi mới, sáng tạo trong tầm nhìn chung của đất nước. Để làm được điều này  cần khuyến khích, hỗ trợ và định hướng sự phát triển KTTN, tạo ra động lực đột phá, mở ra kỷ nguyên vươn mình của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Theo đó, Nhà nước phải có phương thức quản lý phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền cạnh tranh bình đẳng của KTTN; xóa bỏ mọi rào cản, minh bạch hóa chính sách, loại bỏ lợi ích nhóm trong hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực, không phân biệt đối xử giữa khu vực KTTN với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong mọi chính sách. Đồng thời, loại bỏ tư tưởng "trọng công hơn tư" và sự "độc quyền" của doanh nghiệp nhà nước trong một số lĩnh vực; nhất quán quan điểm "mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm", xây dựng chính sách làm yên lòng các nhà đầu tư, doanh nghiệp và doanh nhân, tạo dựng niềm tin mạnh mẽ hơn giữa Nhà nước và khu vực KTTN, qua đó khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đổi mới sáng tạo và tham gia vào các lĩnh vực kinh tế có tính chiến lược…

Nghiên cứu bài viết của đồng chí Tổng Bí thư về phát triển KTTN, nhiều CCB cho rằng: Bài viết  vừa có sự tiếp tục nhất quán tinh thần và nội dung những nghị quyết trước đây của Đảng ta về phát triển KTTN, vừa có nhiều dấu ấn mới mang tính bổ sung, hoàn thiện theo hướng có tính khả thi cao, phù hợp xu hướng thế giới. Đặc biệt, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư đã cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, ý chí và khát vọng cống hiện của các CCB, cựu quân nhân trên trận tuyến mới - trận tuyến làm kinh tế.  

Thực tế thời gian qua cho thấy, sau những năm tháng trong quân ngũ trở về cuộc sống đời thường, nhiều CCB phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và tạo nhiều việc làm cho đồng chí, đồng đội và con, cháu CCB. Một số CCB đã thành lập doanh nghiệp tư nhân, phát triển thành những thương hiệu lớn, đóng góp không nhỏ vào ngân sách Nhà nước và giải quyết an sinh xã hội như: Tập đoàn KN Holdings của Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm - Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội NDND CCB Việt Nam; Tập đoàn Thái Bình Dương của Anh hùng LLVTND Phan Văn Quý; Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Hiền Lê của doanh nhân Nguyễn Thị Bảo Hiền - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DNDN CCB Việt Nam; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thạch Bàn của doanh nhân Hoàng Mạnh Cường - Phó chủ tịch Hiệp hội DNDN CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB Hà Nội…

Hiện thực hóa tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về phát triển KTTN đang là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp Hội CCB, khơi dậy khát vọng cống hiến của các CCB trong cả nước bước vào mặt trận mới để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như di nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đỗ Phú Thọ