Giải phóng xong Tam Kỳ ngày 24-3-1975, Tiểu đoàn 12 pháo mang vác chúng tôi (Tiểu đoàn trưởng là anh Nguyễn Văn Huấn, người Nam Định, tôi là Chính trị viên tiểu đoàn) khẩn trương củng cố lực lượng và được lệnh tiến về Đà Nẵng, trong đội hình Trung đoàn 368, pháo binh Quân khu 5.
Ngày 27-3, bộ đội tiến về Đà Nẵng theo quốc lộ 1. Là Chính trị viên tiểu đoàn, mặc dù trên thông tin xuống hạn chế, nhưng tôi và anh em biết chắc chắn Đà Nẵng - khu liên hợp quân sự rất quan trọng của địch sẽ bị xóa sổ. Dọc đường, nhân dân đổ ra đường vẫy chào Quân giải phóng. Chúng tôi bắt gặp một số người trẻ có, trung niên có, mặt mày bơ phờ, ánh mắt lấm lét, quần áo xộc xệch, có người chỉ mặc xà lỏn (quần đùi hay quần cộc theo cách gọi của miền Bắc), vắt áo lên vai; họ đi ngược hướng tiến công của chúng tôi. Lúc đầu, chúng tôi không biết, cứ nghĩ là dân; sau khi vào Đà Nẵng, mới biết đấy là lính ngụy bỏ chạy.
Khi hành quân qua Hương An - Bà Rén, thì quân bưu trên núi chuyển thư xuống, tôi nhận được lá thư của em trai là Phùng Khắc Chính gửi vào. Vì đang chỉ huy Tiểu đoàn tiến về Đà Nẵng, nên tôi bóc vội lá thư. Nhìn mấy chữ, mắt tôi đã nhòe đi vì biết cha tôi đã mất; nhưng đơn vị hành quân gấp, tôi lau nhanh nước mắt, lấy lại tinh thần, gạt nỗi thương cha, tiếp tục chỉ huy một bộ phận của Tiểu đoàn đánh theo hướng vào Đà Nẵng. Nghe đì đẹt vài tiếng súng từ xa vọng lại. Có lẽ anh em bộ binh đi trước đã tiêu diệt các chốt của địch ở ven đường. Có chiến sĩ mệt quá, vẫy xe Hon đa (xe máy theo cách gọi của miền Bắc) của dân chạy lên trước vài cây số rồi dừng lại đón đơn vị. Thế mới biết lính của mình khá nhạy bén nhưng cũng liều!
Ai cũng muốn đi nhanh; đơn vị nào cũng muốn đến Đà Nẵng sớm. Khoảng 15 giờ ngày 29-3-1975, chúng tôi đã hội quân cách sở chỉ huy của quân ngụy Đà Nẵng không xa. Mở đài địch, nghe nói Đà Nẵng đã thất thủ; viên tướng Ngô Quang Trưởng và thuộc hạ đã bỏ chạy. Quân ngụy ở Đà Nẵng như rắn mất đầu, chạy táo tác. Người dân vừa vui mừng, vừa sợ sệt, đứng đón chúng tôi.
Bao nhiêu năm ở rừng, nay xuống đồng bằng, dù đã và đang ở vùng giải phóng rộng lớn, nhưng thấy sáng quá, rộng quá và trống trải quá, nên theo thói quen, chúng tôi vẫn cứ cảnh giác, vẫn phải bám địch. Khi tôi và một bộ phận của Tiểu đoàn do tôi chỉ huy đang tìm đường vào Bộ tư lệnh Vùng 1 chiến thuật của quân ngụy thì được lệnh của Trung đoàn trưởng lệnh cho bộ phận đi đầu của Tiểu đoàn 12 khẩn trương hành quân đánh chiếm sân bay Nước Mặn. Vậy là tôi xốc lại đội hình, cho anh em tiến về sân bay Nước Mặn.
17 giờ ngày 29-3-1975, chúng tôi qua cầu Trịnh Minh Thế để tiến về Non Nước. Một bà mẹ vẫy tôi lại và hỏi: “Con ơi, thằng Hiệp nhà má còn sống không?”.
Thú thật, tôi và Phan Xuân Hiệp xa nhau từ năm 1969 sau khi mãn hạn khóa đào tạo cán bộ trung - cao cấp của Quân khu 5 tại Thò Lò - Xà Luồng, chẳng có tin tức gì. Tôi hỏi lại má: “Có phải Hiệp còn có tên là Phan Hành Sơn không?”. Má bảo: “Đúng rồi, cấp trên đổi tên cho nó”. Tôi liều mạng nói với má: “Anh Hiệp còn sống; chắc đơn vị của anh vào sau, má cố đợi nhé!”. Nói xong, tôi cũng ái ngại, vừa đi vừa nói với anh em là tôi nói dối má. Anh em động viên tôi, lúc này cũng đành phải nói vậy!
Chúng tôi về đến Non Nước thì trời tối. Tôi triển khai cho anh em chiếm lĩnh các vị trí có lợi đề phòng những bất trắc, mặc dù trên thực tế địch đã chạy hết. Sáng hôm sau, tôi cho kiểm tra lại các khu chỉ huy sân bay, vũ khí, khí tài địch bỏ lại.
Theo lệnh của trên, chúng tôi tiến hành thống kê (khái lược) chiến lợi phẩm của kho và viết báo cáo tình hình. Có một chuyện vui là, thấy có chiếc xe Hon đa 50 phân khối nữ, anh em thi nhau nổ máy chạy thử; rồi hướng dẫn cho tôi cách đi. Có điều chỉ hướng dẫn đi, không hướng dẫn cách dừng, nên tôi không biết làm thế nào cho xe dừng; anh em hét tướng lên, nhưng xe chạy nhanh, tôi không nghe được gì, đành chạy cho đến khi hết xăng, xe ì ra, tôi mới xuống được. Anh em được một dịp cười hết cỡ, còn bảo tôi: Thủ trưởng đi xe bốc thế!...
Tham gia giải phóng Đà Nẵng xong, chúng tôi được điều về đứng chân ở núi Quế. Lệnh trên chuẩn bị một đại đội pháo 85mm ra giải phóng Trường Sa. Khí thế lúc đó lên cao, cán bộ chỉ cần thông báo nhiệm vụ là có hàng chục cánh tay giơ lên tình nguyện xin đi.
Ngày 11-4-1975, trên điều Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 38 và 1 đại đội pháo 85mm của Tiểu đoàn 12 chúng tôi ra làm nhiệm vụ giải phóng Trường Sa. Trên cũng chỉ định tôi đi cùng đại đội đó, nhưng đến phút chót lại điều anh Huấn - Tiểu đoàn trưởng dẫn quân đi.
Anh Huấn ra Trường Sa khoảng 2 tháng thì về lại đơn vị. Lúc ấy, anh như một cuốn sách mô tả về các đảo rất ly kỳ, lạ lẫm. Anh em trong đơn vị rất thích nghe anh kể về Trường Sa. Anh kể đi trên cát, phải lấy chân rẽ trứng chim, nếu không sẽ dẫm lên nổ lốp bốp. Rồi những con rùa biển to kinh khủng, chiều ngang hàng mét, bò lổm ngổm ở mép đảo. Còn cá thì cơ man… Chúng tôi nghe Tiểu đoàn trưởng kể mà cứ nghĩ anh ấy bịa. Anh Huấn còn mang về một mớ sâm biển, có củ to bằng cổ tay trẻ con, đun nước uống hay lắm…
Trung tướng Phùng Khắc Đăng