Theo PGS, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lâm, Trưởng phòng sinh vật phù du biển, Viện Hải dương học Nha Trang cho biết: Tiến sĩ Đoàn Như Hải (41tuổi), Phó trưởng phòng của anh, sang Mỹ để tham gia đoàn nghiên cứu về Hải dương học và sinh học. Giữa tháng 12/2011, anh lên tàu Nathaniel B. Palmer, xuất phát từ Chile đến Nam Cực, tại đây tàu của anh đã nhận lệnh đi cứu hộ con tàu cá Hàn Quốc: Jung Woo 2 gặp nạn (bị cháy) ngày 11/1 tại vùng biển Ross(Nam Cực) cách New Zealand khoảng 3.700 km. Theo thông tin từ Ts Hải: tàu của anh đã chạy 4 máy với tốc độ 13 hải lý/h, để kịp cấp cứu. Chính anh cùng các nhân viên y tế, nhóm các nhà khoa học trên tàu Palmer, trực tiếp băng bó vết thương, cứu chữa cho các nạn nhân suốt đêm 12/1 và sáng 13/1, trong đó có 4 người Việt Nam gồm:
- Trần Văn Ngoan (SN 1991; trú thôn Vĩnh Lợi, xã Kỳ Minh, huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh)
- Ngô Văn Sĩ (SN 1978; trú Xóm 8, thôn Tây Hà, xã Kỳ Hà, huyện Kỳ Anh)
- Nguyễn Chí Công (SN 1989; trú thôn Tây Sơn, xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh)
- Nguyễn Từ Liêm (SN 1986; trú Khối 4, phường Thu Thủy, thị xã Cửa Lò - Nghệ An)
Ts Hải nói rằng: hãy báo giúp cho các gia đình những ngư dân có tên trên là: “họ bị bỏng, anh Ngoan bị nặng nhất(bỏng cả 4 chi), 3 anh còn lại bị nhẹ hơn, đã được cấp cứu chu đáo, hiện đã ăn cháo được, thể trạng tốt. Được điều trị tại một căn cứ Nam Cực Mc Murdo của Mỹ, có 5 bác sĩ Mỹ và mấy nhân viên y tế khác chăm sóc chuyên nghiệp, khi đủ sức khỏe sẽ đưa họ về đất liền”. Ông David Malmquist, Trưởng nhóm cứu hộ biển Nam Cực, đã gửi thư khen ngợi Ts Hải “Anh Hải đã làm việc trong nhiều giờ, liên tục bên những nạn nhân và người đồng hương của mình, vừa cấp cứu vừa chia sẻ, chúng tôi không thể hình dung nổi và sẽ gặp khó khăn, nếu không có sự giúp đỡ của anh Hải”. Qủa thực, do có nhiều người Việt Nam gặp nạn, nên sự có mặt của Ts Hải tuy bất ngờ, nhưng vô cùng hiệu quả, từ việc cấp cứu, thăm hỏi động viên, đặc biệt là phiên dịch, giúp các thành viên trong nhóm cứu hộ hiểu, chăm sóc và điều trị chính xác.
Trần Công Thi