Khu nuôi lợn của CCB Tống Văn Quân.
Khi mới hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội trở về xã Yên Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, CCB Tống Văn Quân cùng gia đình “đánh vật” với mấy sào ruộng khoán hộ mà vẫn cứ chật vật… Với mong muốn được “đổi đời”, bàn bạc kỹ trong gia đình rồi anh quyết định nhận thầu 3,5ha đất hoang hóa lầy thụt ở khu vực Bái trong đồng - là cái “rốn lũ” khi mùa mưa tới, cỏ năn lác rậm rạp, hoang hóa từ suốt thời bao cấp… và anh cũng trở thành người đầu tiên dũng cảm đến khai phá vùng đất này. Thấy anh đầu tư hiệu quả, dần dà có tới hàng chục người địa phương đã "theo" anh đến nhận đất thầu để làm trang trại tại vùng “rốn” lũ.
Vốn để phát triển sản xuất ban đầu gặp khá nhiều khó khăn. Trăn trở ngày đêm tìm “lối mở”, anh Quân quyết định vay vốn ngân hàng để đầu tư làm "trang trại chăn nuôi tổng hợp". Để hỗ trợ với gia đình, anh thuê mấy lao động thời vụ là con em CCB địa phương cùng làm và trả công đầy đủ kịp thời. Với sự nỗ lực không ngừng, một khối lượng lớn công việc đã được gấp rút hoàn thành trong thời gian ngắn và đưa vào sử dụng như: San lấp mặt bằng, làm đường đi, đường điện, đào đắp bờ, kè ao, xây chuồng trại, mua giống vật nuôi, cây trồng… với tổng số tiền đầu tư trên 3 tỷ đồng.
Trên 3,5ha đất thầu, anh dành 1ha làm 6 ao nuôi cá (4 ao thường xuyên nuôi cá trắm, chép, mè, trôi, chim trắng; 2 ao khác chuyên ươm nuôi cá giống) đảm bảo chất lượng, đủ con giống thả nuôi.
Trước khi thả cá giống, đáy ao được làm vệ sinh, rải vôi bột diệt khuẩn, bơm đủ lượng nước sạch cần thiết. 90% cá giống anh tự sản xuất thả nuôi đều sống khỏe, phát triển tốt. Duy trì lượng nước cần thiết trong ao và thay nước sạch từ 1-2 lần/năm. Thức ăn chủ yếu là cỏ, cây, lá chuối cắt ngắn, 30% thức ăn cám, tận dụng chất thải động vật cho cá ăn theo chu kỳ trong ngày. Sau 10 tháng cho thu hoạch, sản lượng cá đạt từ 10-12 tấn/năm, cá trắm to 2,5kg/con, chim trắng 2kg/con. Giá bán 30.000-40.000 đồng/kg (cá trắm 50.000 đồng/kg), lợi nhuận đạt 400 triệu đồng/năm. Anh thuê 2 lao động thường xuyên ở địa phương, trả công mỗi tháng 4,5 triệu đồng/người; tiền thuê lao động thời vụ 250.000 đồng/ngày.
Còn 2 khu chuồng lợn 300m2 được bố trí nuôi lợn nái và lợn thương phẩm. Duy trì 12 lợn giống lai F1, sau khi tách lợn con khỏi mẹ khoảng 2 tháng, phối giống nái sinh sản bằng phương pháp nhảy trực tiếp theo định kỳ 2 lần/năm để có giống tốt. Sản xuất 2 lứa lợn giống/năm, mỗi lứa 120 con không bán mà để nuôi lợn thương phẩm. Lợn mẹ, lợn con, lợn thịt đều ăn cám chăn nuôi mua của cơ sở có uy tín, có giấy phép kinh doanh. Chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường, dọn dẹp thường xuyên sạch sẽ, chưa năm nào lợn bị ốm, dịch. Nuôi lợn thịt mỗi năm 3 lứa, duy trì 80-100 con. Cám chăn nuôi cho ăn 2 lần/ngày trên máng tự động. Lợn con từ khi tách khỏi mẹ đến lúc xuất bán 4 tháng, trọng lượng bình quân 100kg/con. Mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa 8 tấn, thương lái mua tại trang trại, lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm.
Anh Quân còn nuôi bò sinh sản, có 5 bò mẹ và 5 bò con. Cứ 3 năm 1 bò mẹ sinh sản 1 đôi bò con. Nuôi 1,5 năm và xuất bán 15 triệu đồng/con. Đàn gia cầm thu nhập 420 triệu đồng/năm từ nuôi gà, đàn ngan thu về 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, sản xuất lúa thu nhập 42 triệu đồng/năm. Khuôn viên trang trại của anh còn có nhiều cây ăn quả, thảm thực vật tạo môi sinh dễ chịu, thư thái. Mới đây, anh Quân còn đầu tư vốn để sản xuất ốc nhồi thương phẩm, ốc giống vừa để cung cấp cho trang trại và người có nhu cầu.
Lập nghiệp đến nay trên hàng chục năm, để rồi có lợi nhuận thu được có năm hàng tỷ đồng, trang trại của CCB Tống Văn Quân được "lọt" vào tốp mạnh trong tỉnh". Anh là một trong những tấm gương sáng Bộ đội Cụ Hồ, một CCB gương mẫu học tập và làm theo lời Bác để góp phần phát triển kinh tế ở vùng quê đồng chiêm trũng nơi cửa ngõ phía bắc Xứ Thanh.
Lê Như Cương