Bộ Ngoại giao đề xuất thực hiện chế độ visa phù hợp với tinh thần hạn chế tối đa người từ vùng dịch đến Việt Nam, thông báo trước với các nước liên quan.
Tạm dừng hiệu lực giấy miễn thị thực cấp theo quy định tại Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 24/9/2015 của Chính phủ đối với người gốc Việt và thân nhân đang cư trú ở Hàn Quốc và Italia. Các Bộ: Y tế, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng cùng các cơ quan liên quan triển khai cụ thể việc thực hiện, đảm bảo thời gian dự lệnh 3 ngày để kịp thời thông báo cho những người bị ảnh hưởng.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chỉ đạo các thành viên tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch bệnh để kịp thời đề xuất việc tiếp tục áp dụng biện pháp nêu trên cũng như việc điều chỉnh chính sách visa phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại các nước và vùng lãnh thổ khác.
Đại sứ quán Việt Nam tại các nước khuyến cáo người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài (ở khu vực có dịch ở nước sở tại) hạn chế nhập cảnh Việt Nam trong thời gian có dịch, tuân thủ hướng dẫn về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của nước sở tại, không đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng nước sở tại đã khuyến cáo. Trường hợp thật sự cần thiết phải nhập cảnh Việt Nam, phải được cách ly theo quy định.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo ngành hàng không hạn chế các chuyến bay giữa Việt Nam và các nước, vùng có dịch.
Về kinh phí, phương tiện, vật tư phục vụ phòng, chống dịch, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương sử dụng kinh phí phòng, chống dịch đảm bảo chặt chẽ, đứng mức, kịp thời và hiệu quả. Việc mua sắm phải bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ.
Thủ tướng đồng ý thành lập Tổ công tác do Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định giá, phương thức mua khẩu trang, vật tư y tế bảo đảm chặt chẽ.
Bộ Y tế tính toán chặt chẽ, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản về việc mua máy thở với số lượng phù hợp trong ngày 6/3/2020; rà soát lại mức kinh phí bổ sung để mua trang thiết bị dự phòng.
Thủ tướng cũng đồng ý Bộ Y tế mua thêm 20 triệu chiếc khẩu trang dự trữ (cộng với 10 triệu ban đầu là 30 triệu chiếc) và một số khẩu trang N95, bộ trang phục chống dịch, bộ chống dịch Tyvek.
Bộ Công Thương chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất khẩu trang phục vụ phòng, chống dịch và xuất khẩu, lưu ý bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong nước và có biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nghiên cứu việc thành lập Quỹ vận động nhân dân phòng, chống dịch.
Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo, các địa phương phải chủ động quyết định công việc theo thẩm quyền; chủ động phối hợp trong xử lý các vấn đề cấp bách, liên quan, chỉ xin ý kiến những vấn đề vượt quá thẩm quyền theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân tiếp tục ủng hộ, chủ động và chung tay cùng các cơ quan chức năng tự thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, hạn chế các hoạt động tập trung đông người không cần thiết.
Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng thôn, bản phải đề cao trách nhiệm trong việc theo dõi nắm bắt tình hình sức khỏe nhân dân, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm và kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn./.