Hoan nghênh Bộ trưởng sang thăm và làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ hy vọng chuyến thăm sẽ tạo dấu ấn mạnh mẽ trong thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng hiệu quả và thực chất hơn, tương xứng với quan hệ Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước; Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực.
Nhắc lại những ấn tượng mạnh mẽ trong chuyến thăm Hà Lan tháng 7/2017, Thủ tướng cho biết, Việt Nam rất ấn tượng về những thành tựu của đất nước Hà Lan trong xây dựng công trình thủy, cảng biển và nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từ kinh nghiệm của Hà Lan, Việt Nam đã tổ chức một hội nghị lớn về ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, có sự tham dự của Phó Cao ủy đồng bằng Hà Lan và nhiều chuyên gia lớn trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan Sigrid Kaag chân thành cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian tiếp; gửi đến Thủ tướng và Chính phủ Việt Nam lời cảm ơn về lòng mến khách đã dành cho bà.
Vui mừng vì hai nước đang tích cực chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Bộ trưởng tin tưởng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước sẽ cũng thắt chặt quan hệ hợp tác, cùng đồng hành và cùng sáng tạo trong quá trình phát triển để hướng đến một giai đoạn 45 năm nữa vì sự thịnh vượng chung của nhân dân hai nước.
Bộ trưởng cho biết, trong thành phần đoàn Hà Lan sang Việt Nam lần này có nhiều đại diện doanh nghiệp lớn với mong muốn tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam, không chỉ hợp tác trong những lĩnh vực truyền thống như biến đổi khí hậu, nông nghiệp, mà còn cả trong các vấn đề về quản lý cảng, phát triển công nghệ, khởi nghiệp…
Theo Bộ trưởng, với thế mạnh của mình, Hà Lan sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển cảng biển, logistics, qua đó thúc đẩy tạo việc làm, kích thích tăng trưởng kinh tế Việt Nam và cải thiện đời sống người dân.
Phía Hà Lan cũng sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong phát triển vùng Đồng bằng Sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu. Qua các hoạt động hợp tác đó, hai bên cùng hướng đến nâng cao hiệu quả thực hiện Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Hà Lan sẵn sàng chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, đồng hành cùng quá trình phát triển của Việt Nam.
Tán thành những đề xuất của Bộ trưởng trong thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ giao các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất và xúc tiến các hoạt động hợp tác này; trong đó có lĩnh vực quản lý tài nguyên nước - một nhu cầu cấp thiết của Việt Nam và cũng là thế mạnh của Hà Lan.
Đánh giá cao Hà Lan với vị thế là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của châu Á và doanh nghiệp Hà Lan cũng đầu tư vào Việt Nam ở mức gần 8 tỷ USD, Thủ tướng đề nghị Chính phủ Hà Lan tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp Hà Lan mở rộng đầu tư vào Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo.
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam hiện là quốc gia trên đà đổi mới mạnh mẽ, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và cũng là quốc gia hội nhập sâu vào kinh tế thế giới với nhiều sự kiện quốc tế quy mô lớn được tổ chức thành công mà nổi bật nhất là Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn hai bên tiếp tục triển khai quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu với các hoạt động cụ thể như cập nhật Kế hoạch hành động Đồng bằng sông Cửu Long bằng cách xây dựng quy hoạch cụ thể khu vực này; đề ra các phương hướng tái cơ cấu sinh kế các tiểu vùng, xây dựng liên kết vùng…; hợp tác giữa TPHCM, Hà Nội và TP. Rotterdam; hợp tác đào tạo nâng cao trình độ nguồn nhân lực tài nguyên môi trường của Việt Nam.
VPCP