Cụ thể, đối với gạo dự trữ nhà nước, có 4 phương thức mua là đấu thầu rộng rãi; chỉ định thầu; mua trực tiếp hoặc chào hàng cạnh tranh.

Việc chỉ định thầu chỉ áp dụng khi phải tổ chức mua ngay số lượng gạo bù vào phần đã cấp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp không đủ điều kiện tổ chức đấu thầu rộng rãi để bảo đảm đủ cơ số lương thực dự trữ nhà nước sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cứu trợ, viện trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh.

Việc mua gạo trực tiếp được áp dụng khi hợp đồng đối với gói thầu có nội dung tương tự được ký trước đó không quá 6 tháng; chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với trường hợp gói thầu mua gạo có giá gói thầu dưới 2 tỷ đồng.

Đối với thóc dự trữ nhà nước có 3 phương thức mua là chỉ định thầu được áp dụng đối với trường hợp mua bù số lượng thóc sau khi đã xuất cấp để đáp ứng yêu cầu cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; chào hàng cạnh tranh được áp dụng đối với trường hợp gói thầu mua thóc có giá gói thầu dưới 2 tỷ đồng; mua trực tiếp, rộng rãi của mọi đối tượng.

Về giá mua lương thực dự trữ nhà nước, Thủ tướng quy định Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định giá giới hạn tối đa để tổ chức mua lương thực dự trữ nhà nước.

Căn cứ vào giá giới hạn tối đa do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước quyết định giá mua cụ thể theo từng thời điểm và từng địa bàn khi mua lương thực dự trữ nhà nước.

Quyết định nêu rõ lương thực nhập kho dự trữ nhà nước phải đáp ứng được các quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lương thực dự trữ nhà nước, yêu cầu, kỹ thuật, quy trình bảo quản và công tác quản lý theo quy định hiện hành.

Các quy định trên có hiệu lực từ ngày 25/4/2011 và sẽ được tạm thời áp dụng cho đến ngày 31/12/2012. Theo TTXVN Ngọc Hiệp