Tin tưởng chuyến thăm sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, người dân Việt Nam luôn dành tình cảm sâu đậm đối với người dân Ba Lan. “Chúng tôi luôn nhớ Ba Lan đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ trong kháng chiến. Ba Lan là nước duy nhất có mặt trong cả hai Ủy ban đình chiến sau Hiệp định Geneva năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973. Hàng nghìn sĩ quan và cán bộ Ba Lan đã tham gia hai Ủy ban này”, Thủ tướng nói. Đặc biệt, Ba Lan đã giúp đỡ Việt Nam đào tạo hàng nghìn cán bộ, kỹ sư để giúp xây dựng đất nước trong thời bình, trong đó nhiều người nắm giữ các cương vị khác nhau trong bộ máy Nhà nước. Thủ tướng cũng bày tỏ ấn tượng về việc các chuyên gia giỏi của Ba Lan đã giúp đỡ Việt Nam.
Cảm ơn lòng hiếu khách của Việt Nam, Tổng thống Ba Lan bày tỏ vui mừng khi trong chuyến thăm lần này, hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác và tin tưởng, các văn kiện này sẽ góp phần củng cố quan hệ hợp tác hai nước, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả lĩnh vực khác như khoa học, giáo dục và đào tạo…
Tổng thống Andrzej Duda chia sẻ, tối qua, ông đã có cuộc gặp mặt rất ý nghĩa với các cựu sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam từng học tập, làm việc, sinh sống tại Ba Lan và đã để lại cho ông những ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam.
“Hôm nay, Ngài Thủ tướng có hỏi tôi cảm thấy Việt Nam thế nào thì tôi xin trả lời là tôi thấy Việt Nam rất tuyệt vời”, Tổng thống Ba Lan chia sẻ và cho biết, ông rất quan tâm đến hợp tác trong lĩnh vực kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực khác cũng có tiềm năng hợp tác lớn như du lịch. Tổng thống Ba Lan mong muốn tăng số lượng du khách Ba Lan đến Việt Nam với hy vọng hai bên có thể mở đường bay thẳng từ Hà Nội tới Warszawa. Ba Lan cũng mong muốn cân bằng quan hệ thương mại với Việt Nam khi hiện nay, chủ yếu Việt Nam xuất siêu sang Ba Lan.
Về một trong những biện pháp để đạt mong muốn này, Tổng thống Andrzej Duda cho biết, ngày kia, ông sẽ dự lễ khai trương Văn phòng Đại diện của Tổng cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TPHCM, là cơ quan chuyên về việc giới thiệu những sản phẩm, tiềm năng kinh tế của Ba Lan với các đối tác nước ngoài.
“Tôi tin rằng văn phòng đại diện sẽ là trở thành nơi trao đổi, liên hệ giữa các doanh nghiệp Ba Lan và Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm hiểu thêm về các cơ hội đầu tư ở Ba Lan và ngược lại, các doanh nghiệp Ba Lan sẽ biết thêm về đối tác Việt Nam”, Tổng thống Andrzej Duda đề nghị Việt Nam tạo điều kiện cho thực phẩm Ba Lan vào thị trường Việt Nam nhiều hơn nữa.
Ông cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Ba Lan và khẳng định Chính phủ Ba Lan cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhất trí với ý kiến của Tổng thống Andrzej Duda, Thủ tướng nhìn nhận, quan hệ thương mại hai nước tăng trưởng nhanh (kim ngạch hai chiều năm 2016 đạt mức kỷ lục 790 triệu USD; 9 tháng năm 2017 đạt 730 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ) nhưng còn thấp so với tiềm năng.
“Cùng với ý kiến mà Ngài nêu, tôi đề nghị thời gian tới, hai bên cùng củng cố khung thể chế hợp tác”, Thủ tướng đánh giá cao lần này hai bên đã ký bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế trong đó có việc thiết lập cơ chế tham vấn thường xuyên giữa hai bộ phụ trách về kinh tế.
“Chính phủ Việt Nam hoan nghênh việc Ba Lan chính thức khai trương Văn phòng Đại diện của Tổng cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TPHCM”, Thủ tướng nói. Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi thuận lợi cho hoạt động của Văn phòng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Ba Lan tìm hiểu thị trường, cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực như khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường, y tế, chế biến thực phẩm…
Thủ tướng cũng đồng ý với Tổng thống Andrzej Duda về việc đẩy mạnh hợp tác du lịch, nghiên cứu mở đường bay Hà Nội hoặc TPHCM tới Warszawa. Chính phủ Việt Nam ghi nhận và tạo mọi điều kiện cho các mặt hàng là thế mạnh của Ba Lan vào Việt Nam để tiến tới cân bằng thương mại trong thời gian tới.
Đánh giá cao việc hai bên ký thỏa thuận hợp tác giáo dục đại học, Thủ tướng đề nghị giữ truyền thống quan hệ về giáo dục-đào tạo giữa hai nước. Hai bên tăng cường hợp tác, trao đổi sinh viên, giảng viên giữa các trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong những lĩnh vực Ba Lan có thế mạnh như kỹ thuật mỏ, địa chất, nông nghiệp, công nghệ thực phẩm. Hai bên cần sớm đàm phán ký hiệp định về công nhận văn bằng tương đương.
Thủ tướng đề nghị Ba Lan thúc đẩy EU sớm ký, phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).
Thủ tướng mong Tổng thống Andrzej Dudatiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam làm ăn sinh sống tại Ba Lan.
Tổng thống Ba Lan cho biết, cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan luôn được người dân Ba Lan quý mến, tôn trọng, là cộng đồng đóng vai trò tích cực vào sự phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước. “Ngay từ lúc du học sinh đầu tiên của Việt Nam sang Ba Lan đến giờ, thì hình ảnh của người Việt Nam trong mắt người Ba Lan là những người học hành rất giỏi, làm việc chăm chỉ, cần cù”, Tổng thống Andrzej Duda nói.
Người Ba Lan có ấn tượng tích cực về sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong 30 năm qua. Vì thế, theo Thủ tướng Andrzej Duda, Bộ Ngoại giao Ba Lan cùng với Bộ Phát triển kinh tế Ba Lan khi xây dựng chiến lược phát triển kinh tế Ba Lan đã chọn 5 nước được coi là có tiềm năng lớn nhất để phát triển hợp tác kinh tế, thương mại, trong đó, có Việt Nam.
Tổng thống Andrzej Duda khẳng định, Chính phủ Ba Lan sẽ ủng hộ việc sớm ký kết, phê chuẩn EVFTA.
Cảm ơn sự hỗ trợ của Ba Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, là Chính phủ hành động, “chúng tôi sẽ thực hiện tốt, phối hợp tốt để thúc đẩy triển khai các thỏa thuận hợp tác mà hai bên đã nhất trí”.
VPCP