Ngày 2/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 (Ban Chỉ đạo COP26) chủ trì Phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo.
Cùng dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Phiên họp đã xem xét, cho ý kiến đối với: Báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 trong thời gian qua và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; Báo cáo và tham luận của một số bộ, ngành, cơ quan về việc triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26.
Các đại biểu tập trung đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, nhất là kết quả thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo, kết quả thực hiện JETP (Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng) và AZEC (Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á)…; các khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân khách quan, chủ quan; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để thực hiện hiệu quả các cam kết tại COP26, nhất là cho ý kiến về việc sửa đổi khung pháp lý tạo thuận lợi cho đầu tư từ doanh nghiệp, quốc tế vào chuyển đổi năng lượng.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan tổ chức tốt phiên họp; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện báo cáo, ban hành Thông báo kết luận Phiên họp để thống nhất triển khai.
Phân tích bối cảnh tình hình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, diễn biến ngày càng phức tạp, hậu quả ngày càng lớn, khắc phục mất nhiều công sức, tiền của; ứng phó biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cấp bách mà không nước nào có thể tự làm một mình. Góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng là việc không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc và làm phải có hiệu quả.
Về kết quả đạt được trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết COP26, Thủ tướng đánh giá chúng ta đã làm tốt, đạt nhiều kết quả tích cực được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong xây dựng thể chế, đào tạo nhân lực, tổ chức thực hiện, xác định và triển khai các chương trình, dự án, khắc phục hậu quả thiên tai.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta vẫn thúc đẩy được tăng trưởng, kiểm soát được lạm phát và thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, chính sách tiền tệ, tài khóa dần xanh hóa. Trong thành tựu chung của đất nước có đóng góp của phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng.
Thủ tướng khái quát "4 điểm được" gồm:
Thứ nhất, nhận thức và hành động được thống nhất và tăng cường, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về "0" theo đúng cam kết.
Thứ hai, kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, triển khai kịp thời các cam kết (nội dung cam kết và việc triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 đã được nhanh chóng lồng ghép, cụ thể hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, chiến lược, kế hoạch để triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương), điển hình là triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành theo thẩm quyền ban hành các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể, tạo hành lang chính sách, là cơ sở quan trọng để triển khai nhanh chóng, kịp thời các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng.
Thứ ba, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, thu hút sự quan tâm, cam kết, triển khai các dự án cụ thể của các đối tác quốc tế; nhiều tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu với tiềm lực kinh tế, công nghệ cao, công nghệ ít phát thải khí nhà kính đã đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực. "Các chiến lược của quốc gia và của doanh nghiệp, nhà đầu tư phải cùng hướng thì mới tạo ra xung lực phát triển", Thủ tướng nói.
Thứ tư, có sự thay đổi rõ rệt về nhận thức và hành động, tự giác, nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu của mỗi người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khâu thực hiện, việc tham gia thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng còn chưa đồng đều, đa số làm tốt nhưng còn một bộ phận làm chưa tốt. Các Nhóm công tác hỗ trợ thực hiện JETP đã được thành lập nhưng chậm triển khai thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Các chính sách, quy định liên quan các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26, chuyển đổi năng lượng nhìn chung còn hạn hẹp so với yêu cầu phát triển.
"Cơ chế phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt, quản lý phải thông minh. Việc xây dựng các quy định trong lĩnh vực này phải với tư duy đổi mới, phát triển, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Với những vấn đề mới, khó như ứng phó biến đổi khí hậu phải có tư duy, cách tiếp cận phù hợp, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về quan điểm, Thủ tướng nêu rõ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược. Do đó, cần nỗ lực lớn hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa để làm tốt hơn việc ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó có phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng sạch, thực hiện các cam kết COP26.
Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, toàn xã hội, toàn dân vào cuộc, trong đó kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư là rất quan trọng.
Cùng với đó, phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; mọi chính sách phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, người dân và doanh nghiệp tích cực tham gia, thực hiện và hưởng thụ thành quả; vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước, vì cuộc sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân.
Chỉ rõ 5 nhóm nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế thu hút nguồn lực, nhất là nguồn lực hợp tác công-tư, nguồn lực ngoài nhà nước, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tránh lãng phí.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; xây dựng các phương thức quản trị mới, quản lý chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn; tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nắm bắt những công nghệ mới; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ hình thành và phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch, trong đó có phát triển công nghiệp phụ trợ, trang thiết bị để sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối, hydrogen xanh, amoniac xanh…
Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chung, các nhiệm vụ cụ thể đã được xác định trong Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc thực hiện phải chủ động, sáng tạo, linh hoạt phù hợp tình hình.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo) thường xuyên thống kê, đôn đốc các bộ, cơ quan thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ được giao.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể với các bộ, ngành trong thực hiện Tuyên bố JETP và thực hiện Sáng kiến AZEC; Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành rà soát, lựa chọn các dự án triển khai ngay trong khuôn khổ JETP và AZEC; hoàn thiện trình phê duyệt các đề án, nghị định, thông tư liên quan, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; thúc đẩy hợp tác, chuẩn bị, đàm phán, ký kết và triển khai các thỏa thuận mua bán giảm phát thải từ rừng…
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan ngành giao thông vận tải.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao triển khai các nhiệm vụ để hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh gắn với phát triển kinh tế-xã hội, huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh.
Bộ Tài chính thúc đẩy tài chính xanh, nhanh chóng, kịp thời. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh các nguồn vốn tín dụng xanh. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật, đẩy mạnh các chính sách hành động nhằm giảm tác động tiêu cực tới các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế.
Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục ưu tiên nguồn lực để triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia có liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo động lực dẫn dắt phát triển ít phát thải và lan tỏa đến từng ngành, lĩnh vực then chốt./.