Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: An toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến giống nòi mà còn là uy tín quốc tế. Do đó, “chúng ta cần biện pháp mạnh, kiên quyết, toàn diện, để công tác này đạt kết quả tốt hơn, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân”.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới:
Trước hết cả hệ thống chính trị các cấp cần vào cuộc, làm tốt công tác này. Đồng thời cần xác định rõ trách nhiệm quản lý, nhất là trách nhiệm cá nhân đối với các vi phạm về ATTP. “Nếu không quy trách nhiệm cụ thể thì sẽ khó thành công”, Thủ tướng nói. Người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn của mình.
Thủ tướng nêu rõ, phải có bộ máy tổ chức đủ mạnh làm công tác này và huy động các lực lượng đoàn thể vào cuộc.
Về vấn đề kinh phí, Thủ tướng đồng ý để các địa phương ứng trước ngân sách dành cho việc quản lý ATTP, đồng thời các địa phương cần đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư thiết bị kiểm tra sau đó thu phí và hoàn vốn. Thủ tướng cũng nhất trí cho phép các địa phương chủ động sử dụng toàn bộ số tiền phạt vi phạm an toàn thực phẩm để phục vụ cho công tác này.
Thủ tướng chỉ đạo, xử lý hành chính ở mức cao nhất, kể cả xử lý hình sự; tăng cường thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất thay đổi tư duy, nhận thức rõ vấn đề bảo đảm ATTP. Các cơ quan thông tin truyền thông phải vào cuộc tích cực, thông tin đầy đủ, toàn diện về công tác này.
Thủ tướng yêu cầu phải thay đổi cách tiếp cận trong quản lý ATTP, nêu rõ những bất cập, đề ra những giải pháp cụ thể, trước mắt lựa chọn các loại thực phẩm cụ thể, nhất là thực phẩm tươi sống - gắn bó thường nhật với đời sống người dân để tập trung giám sát nhằm tạo chuyển biến rõ nét về quản lý an toàn thực phẩm.
Sau cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một chỉ thị về việc tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm./.
PV