Pháo cao xạ cơ động chiếm lĩnh trận địa,bảo vệ các đơn vị tên lửa đánh máy bay B-52. Ảnh: TL

Từ năm 1965, không quân Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. Đường số 1 qua Ninh - Thanh - Nghệ - Tĩnh là trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ, hòng ngăn chặn vận tải chi viện chiến trường của quân và dân miền Bắc. Để từng trị lũ “giặc trời” Mỹ, các trận địa pháo phòng không của ta bố trí ở các trọng điểm sẵn sàng đánh trả. Thời gian giữ chức vụ Cục phó Cục Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân, Trung tá Đoàn Chương (sau là Trung tướng, Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng) thường trực tiếp xuống công tác ở các trận địa phòng không. Dưới đây là bức thư ông gửi về gia đình (vợ là bác sĩ Nguyễn Thị Bảo, công tác ở Bệnh viện 354):

“Bảo!

Hay quá, Có anh Tiếp (PV Báo Quân đội nhân dân) ra mặt trận phía Nam này. Anh biết được tin em và biên thư để em biết tin anh.

Từ chiều hôm ấy anh ra đi, công việc chuẩn bị khá vất vả vì tình hình địch và thời tiết mưa bão, nhưng cho đến hôm qua phát hỏa vẫn giữ được thế chủ động bất ngờ và đã chiến thắng giòn giã, diệt 3 máy bay địch, bắt sống 2 phi công, đẩy lùi thêm một bước. Quân dân rất phấn khởi. Tuy mất ngủ nhiều, nhưng anh vẫn khỏe (em đừng lo).

Ra đi không gặp được em, anh những lo cho sức khỏe của em, em chú ý giữ gìn sức khỏe nhé.

Nhiệm vụ “Nam chinh” còn dài, anh cũng cố gắng giữ gìn sức khỏe để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.

Bây giờ chỗ sơ tán các con đi xa hơn, thỉnh thoảng đi thăm con, nhưng thỉnh thoảng thôi kẻo ảnh hưởng sức khỏe. Không biết em đã lấy cái mô tô về cho anh chưa? Nếu chưa, nhớ lấy về cho anh; nếu khó nhờ anh Tiếp đi lấy hộ. Nhớ lấy sẵn sàng cho anh một ngày gần đây hết đợt này anh về báo cáo và xin chỉ thị mới sẽ tranh thủ về thăm em. Cái xe đạp để ở Hà Nội, hôm nào về, anh sẽ đưa về cho em dùng.

Thôi nhé, anh thương em nhiều!

Đồng Giao, ngày 25-8-1965

Hôn em! Chương”.

Việt Hưng biên soạn từ tư liệu của Đại tá, bác sĩ  Nguyễn Thị Bảo