Dịch vụ lưu trú và ăn uống vẫn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong 9 tháng năm 2009, cả nước có 583 dự án mới được cấp giấy chứng nhậnđầu tưvới tổng vốn đăng ký 7,67 tỷ USD. Tuy chỉ bằng 14,3 % so với cùng kỳ 2008 nhưng 7,67 tỷ USD đăng ký mới cũng là con số khá cao trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay. Trong 9 tháng năm 2009, có 168 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,86 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2008, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư vào khả năng phục hồi và tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Trong 9 tháng, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 7,2 tỷ USD, bằng 88,9% so với cùng kỳ năm 2008. So với mục tiêu giải ngân 10 tỷ USD năm 2009, nhìn chung các dự án ĐTNN đang triển khai phù hợp với tiến độ dự kiến.
Dịch vụ lưu trú và ăn uống vẫn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài với trên 4,57 tỷ USD vốn cấp mới và tăng thêm. Kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 3,65 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm. Đây là lĩnh vực có sự gia tăng đột biến so với 8 tháng đầu năm do trong tháng 9 có một dự án lớn được cấp phép, dự án Công ty TNHH thiết kế và xây dựng Phú Thăng Long tại Bình dương có tổng vốn đầu tư lên tới 1,7 tỷ USD.
Trong 9 tháng năm 2009, có 38 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, các nhà đầu tư lớn nhất lần lượt là Hoa Kỳ với tổng vốn đăng ký là 3,95 tỷ USD chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, Samoa đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký 1,7 tỷ USD chiếm 13,5%, đứng thứ 3 là Đài Loan với tổng vốn đăng ký 1,36 tỷ USD chiếm 10,8% .
Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất trong 9 tháng năm 2009 với 6,66 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm. Tiếp theo là Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đồng Nai với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 2,45 tỷ USD, 1,14 tỷ USD, 383 triệu USD và 281triệu USD.
Hoàng Linh (TH)