Mẫu tiên lửa phóng từ tàu ngầm được Triều Tiên phóng thử năm 2021.

Ngày 7-5, Triều Tiên phóng vật thể bay từ vùng biển ngoài khơi thành phố duyên hải Sinpo, miền Đông nước này. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), đây là một tên lửa đạn đạo tầm ngắn được phóng đi từ tàu ngầm (SLBM). Tên lửa đạt độ cao tối đa khoảng 60km và bay xa khoảng 600km.

Triều Tiên đã nỗ lực để đạt được năng lực phóng tên lửa có đầu đạn hạt nhân từ tàu ngầm, mà theo lý thuyết  có thể củng cố khả năng răn đe của nước này khi đảm bảo được năng lực đáp trả nếu bị tấn công bằng hạt nhân. Các tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo cũng làm tăng thêm một mối đe dọa hàng hải trong bộ sưu tập ngày càng lớn các vũ khí nhiên liệu rắn phóng từ các phương tiện trên đất liền vốn đang được phát triển với một mục tiêu rõ ràng là để áp đảo các hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

 Đáng chú ý, đây là vụ phóng vật thể bay thứ 15 của Triều Tiên kể từ đầu năm đến nay, đồng thời là vụ phóng thứ hai của nước này trong vòng 3 ngày. Trước đó, ngày 24-3, Triều Tiên cũng phóng thử một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới mà nước này đặt tên là Hwasong-17. Vụ phóng thử này cũng được tiến hành tại khu vực gần sân bay Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng, đạt các thông số lớn nhất từ trước đến nay về cả thời gian bay và độ cao.

Vì sao Triều Tiên lại dồn dập thử tên lửa trong thời gian này trong khi Mỹ đang ráo riết trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ) một nghị quyết mới nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt quốc gia Đông Bắc Á này? Robert Kelly - chuyên gia về Triều Tiên tại Trường đại học quốc gia Pusan, nhận định rằng: Việc Triều Tiên dồn dập tiến hành các vụ thử có thể là để “gửi một thông điệp” đến chính quyền sắp nhậm chức tại Hàn Quốc. Triều Tiên lâu nay vẫn có truyền thống làm như vậy...

Như vậy, nâng cao năng lực quân sự đồng thời gửi đi một thông điệp cứng rắn tới chính quyền mới của Hàn Quốc được đánh giá là động cơ chính trong các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên. Tổng thống đắc cử Hàn Quốc - Yoon Suk-yeol lên cầm quyền vào ngày 10-5, trong khi Tổng thống Mỹ - Joe Biden dự kiến sẽ đến thăm Hàn Quốc và hội đàm với ông vào ngày 21-5.

Các động thái của Triều Tiên khiến các nước trong khu vực lo ngại. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản - Nobuo Kishi cho rằng: Việc Triều Tiên phát triển công nghệ liên quan tới tên lửa hạt nhân và thực hiện liên tiếp các vụ thử mà Tokyo cho là tên lửa đạn đạo đã đe dọa khu vực và cộng đồng quốc tế, đồng thời chỉ trích đây là hành động “Hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Trong khi đó, ông Kim Sung-han - Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc cho biết: Chính quyền mới sẽ đánh giá lại mối đe dọa từ chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên ngay khi nhậm chức và đưa ra các biện pháp đối phó cơ bản. Ngày 7-5, các đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành điện đàm về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, đồng thời hối thúc Bình Nhưỡng quay trở lại đối thoại. Theo đó, đặc phái viên hai nước khẳng định vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là hành động vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ và gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với bán đảo Triều Tiên và cộng đồng quốc tế.

Tần suất các vụ phóng cũng như tầm bay của các loại tên lửa của Triều Tiên gần đây thực sự đã biến Đông Bắc Á trở thành điểm nóng về an ninh trong khi đàm phán về phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên đi vào ngõ cụt. Thay vì cố gắng nối lại đối thoại, các nước trong khu vực lại đi theo hướng tăng cường năng lực răn đe và phòng thủ quân sự của mình. Chỉ mới tháng trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Un đã tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc phát triển kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Ông đã chủ trì một cuộc diễu binh quân sự quy mô lớn trong đó có sự xuất hiện của các ICBM, cũng như các vật thể có vẻ như là các SLBM được chở trên các xe tải và xe có bệ phóng. Đối đầu quân sự sẽ chẳng thể mang lại một tương lai tốt đẹp. Hy vọng, chính quyền mới của Hàn Quốc sẽ có cách tiếp cận mới để lại dịu tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Thanh Huyền