Năm 2007, những người thân của ông Th. không hề hay biết thửa đất được sang tên cho bà C.

Phát lộ thửa đất được cấp sổ đỏ không đúng với biên bản họp gia đình, một CCB ở thị trấn Như Quỳnh bức xúc gửi đơn khiếu kiện đến nhiều cấp có thẩm quyền. Điều đáng nói, quá trình tìm hiểu vụ việc, bộ hồ sơ cấp sổ đỏ có nhiều chữ ký nghi là giả mạo…

Đất cha ông để lại “âm thầm” được… sang tên

Theo đơn CCB Nguyễn Chính Nghĩa, trú tại thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên phản ánh: Ông N.V.Th. (là em nội tộc), sinh năm 1927, có 11 người con, 3 bà vợ. Trong đó, vợ cả ông Th. tên là Đ. Th. L., sinh được 2 người con gái; vợ hai là bà Đ.Th. N, sinh được 6 con gái, 1 trai; vợ ba là bà N.Th. C., sinh được 2 người con gái.

Từ trước năm 1956, ông Th. và bà Đ.Th.L. và các con sinh sống cùng bố mẹ đẻ ông Th. trên thửa đất số 126, Tờ bản đồ số 2, diện tích 250m2 tại thôn Minh Khai, xã Như Quỳnh (nay là thị trấn Như Quỳnh). Đến năm 1963, bố mẹ ông Th. qua đời, bà   L. quản lý, trông nom thửa đất; ông Th. lên Hà Nội công tác.

Năm 1982, ông Th. nghỉ hưu, trở về quê sinh sống với bà L. Khi về, ông Th. dẫn theo bà N.Th.C (vợ ba) và 1 cô con gái của bà C về giới thiệu với dòng họ, sau đó cùng ở chung trên thửa đất với bà L và các con của ông Th.

Năm 1984, ông Th. chết. Tiếp đó, đến năm 1992, bà L. qua đời. Sau khi ông Th. và bà L. chết, các con của bà N. (bà vợ hai) với bà C. xảy ra mâu thuẫn. Để giải quyết sự việc, nội tộc dòng họ Nguyễn Văn của CCB Nghĩa đã tổ chức nhiều cuộc họp để giải quyết sự việc.

Theo CCB Nghĩa, gia đình, dòng họ đã có 3 cuộc họp vào các năm 1985, 1992, 1997 và cả 3 lần đều được lập biên bản đầy đủ.

Đáng chú ý, tại biên bản lập năm 1992, các bên tham dự đều thống nhất: “…Tài sản, hoa màu riêng của bà L. giao bà ba (bà C.) trông nom, quản lý. Riêng nhà cửa, đất đai, vườn tược bà C. không được quyền bán và tất cả con cháu trong gia đình cũng không được cầm bán”…

Cuối biên bản còn ghi rõ: “Toàn gia tộc nhất trí ủy quyền ông Nguyễn Chính Nghĩa ở nhà điều khiển, thực hiện những điều đã ghi ở biên bản này”. Biên bản lập năm 1992 còn có sự chứng kiến của Trưởng thôn Minh Khai và lãnh đạo xã Như Quỳnh (cũ) chứng nhận.

Tuy nhiên, đến ngày 10-7-2007, bà C. được UBND huyện Văn Lâm cấp sổ đỏ số AI 091455, với diện tích 290m2 đất ở, trong khi bà Đ.Th.N. (vợ 2 của ông Th.) và các thành viên con ông Th. không hề được đồng đứng tên QSDĐ. Một thời gian sau, bà C. làm thủ tục cho tặng con gái là chị Ng.Th.Th.T. Ngày 10-12-2015, chị T. được Sở TNMT tỉnh Hưng Yên cấp sổ đỏ số BQ025725, diện tích 290m2 đất ở.

Điều đáng nói, sau khi được cấp sổ đỏ, đầu năm 2016 chị T. sử dụng sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay 1,38 tỷ đồng làm ăn mà trong gia đình, dòng tộc không một ai hay biết. Đến năm 2020, việc cấp sổ đỏ và “cầm cố” vay vốn ngân hàng mới được phát giác. Kể từ đó đơn thư khiếu nại, thậm chí cả tố cáo của CCB Nguyễn Chính Nghĩa và CCB Nguyễn Tiến Trung (được anh Nguyễn Đức Huy, con trai duy nhất của ông Th. ủy quyền), nhưng không cơ quan có thẩm quyền nào vào cuộc giải quyết kịp thời.

Theo CCB Nguyễn Tiến Trung, việc bà C. được cấp sổ đỏ đã gây phương hại đến quyền và lợi ích của những người con ông Th. cũng như đã làm trái với di nguyện của người quá cố; trái với những biên bản cuộc họp gia đình trước đây…

Nghi vấn giả mạo chữ ký để hợp thức hồ sơ cấp sổ đỏ?

Theo hồ sơ và đơn CCB Nguyễn Chính Nghĩa gửi Báo CCB Việt Nam, cho thấy, hồ sơ cấp sổ đỏ cho bà C. có nhiều chữ ký của hộ giáp ranh nghi ngờ là giả mạo. Cán bộ địa chính thị trấn Như Quỳnh là ông Nguyễn Đình Phong còn có dấu hiệu tiếp tay làm giả hồ sơ, giấy tờ để hợp thức việc cấp sổ đỏ cho bà C. (?).

Cụ thể, tại Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất lập ngày 8-6-2007, phần ghi các chủ sử dụng đất tiếp giáp với thửa đất số 196, Tờ bản đồ số 15, diện tích 290m2 thể hiện: Phía bắc giáp Phùng Văn Tiêu có chữ ký; Phía nam giáp đất mẫu giáo (TT quản lý) có chữ ký; phía đông giáp Nguyễn Văn Đặng nhưng không thấy có chữ ký; phía tây giáp Phùng Ngọc Thực có chữ ký xác nhận.

Phần cuối biên bản có chữ ký của chủ sử dụng đất, cán bộ cơ sở thôn - ông Đinh Văn Hoát; cán bộ địa chính - ông Nguyễn Đình Phong và Chủ tịch UBND thị trấn Như Quỳnh - ông Đinh Văn Thắng.

Tuy nhiên, khi luật sư Đinh Tây Viêm - thuộc Đoàn luật sư T.P Hà Nội đi xác minh sự việc theo đơn mời luật sư của CCB Nghĩa và CCB Trung, tại một số biên bản được luật sư Viêm ghi nhận lời xác nhận của ông Phùng Ngọc Thực, cho thấy năm 2007, ông Thực không ký vào biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất cấp cho bà C. “Tôi thấy chữ ký này không phải tôi (Thực) ký vào văn bản. Đây là chữ ký mạo danh, không phải tôi ký”.

Tương tự, ông Phùng Văn Thắng - con của cụ Phùng Cao Tiêu (có chữ ký trong biên bản) xác nhận bố ông mất năm 2009. “Chữ ký trong biên bản xác định mốc giới năm 2007 không phải là chữ ký của bố tôi là cụ Phùng Cao Tiêu và bản thân tôi cũng không có chữ ký này; văn bản này có chữ ký mạo danh”.

Trong khi đó bà Nguyễn Thị Loan, bà Nguyễn Thị Minh Sao là giáo viên - nguyên giáo viên công tác tại thời điểm năm 2007 ở Trường mẫu giáo khẳng định: Hai bà không có ký xác nhận vào biên bản xác định ranh giới, mốc giới cấp sổ đỏ cho bà C.

Vậy câu hỏi đặt ra, ai là người ký vào phần chủ sử dụng tiếp giáp thửa đất tại Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất để hoàn tất hồ sơ cấp sổ đỏ cho bà C?

Trong khi đó, qua quan sát bằng mắt thường, phần chữ ký tại mục “Phía Nam giáp Mẫu giáo (TT quản lý) rất giống với chữ ký của ông Nguyễn Đình Phong - cán bộ địa chính thị trấn Như Quỳnh? Nói là thế bởi chữ ký phần dưới biên bản này thể hiện phần “Cán bộ địa chính thị trấn” có chữ ký tương tự như chữ ký tại mục “Phía nam giáp Mẫu giáo (TT quản lý)!

Không chỉ Biên bản xác định ranh giới, mốc giới thửa đất lập ngày 8-6-2007 nghi ngờ một số chữ ký bị giả mạo, CCB Nguyễn Chính Nghĩa và CCB Nguyễn Tiến Trung còn cho biết, tại bản “Danh sách công khai các trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận QSDĐ tại thôn Minh Khai”, đề ngày 8-6-2007 chỉ có duy nhất hộ bà C trong danh sách, được niêm yết tại hội trường thôn Minh Khai trong vòng 15 ngày. Tuy nhiên, phần xác nhận của đại diện cho những người sử dụng đất tại biên bản này xuất hiện “chữ ký, chữ viết họ và tên Nguyễn Văn Luyện” được ông Đinh Văn Hoát - nguyên Trưởng thôn Minh Khai thời điểm năm 2007 xác nhận: “Ông không biết chữ ký, chữ viết Nguyễn Văn Luyện là của ai”. Ông Hoát cũng thừa nhận “những người sử dụng đất không có ai tên là Nguyễn Văn Luyện”…

Qua lời ông Hoát xác nhận, có thể thấy người biết rõ ai đã ký vào những bản có chữ ký nghi ngờ giả mạo nêu trên chỉ có người xin cấp quyền sử dụng đất, cán bộ địa chính thị trấn Như Quỳnh là Nguyễn Đình Phong và nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Như Quỳnh Đinh Văn Thắng. Vì vậy, để làm rõ nghi vấn giả mạo chữ ký trong bộ hồ sơ xin cấp quyền sử dụng đất cho bà C., cơ quan chức năng ở huyện Văn Lâm cũng như ở tỉnh Hưng Yên cần sớm vào cuộc, thẩm tra những người này sẽ rõ chân tướng sự việc!

Bài và ảnh: Doanh Chính - Hóa Võ