Trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường thì bảo vệ quyền lợi của người lao động (NLĐ) luôn là vấn đề thời sự. Tình trạng quyền lợi chính đáng của NLĐ bị người sử dụng lao động xâm phạm diễn ra khá phổ biến. Từ những việc như NLĐ bị bớt xén chế độ, bị bóc lột sức lao động quá mức, bị xâm phạm về thể chất và tinh thần, không được đóng các chế độ bảo hiểm, bị cắt hợp đồng lao động trái pháp luật, mất việc làm... luôn là những vấn đề gây bức xúc xã hội.
Trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, NLĐ luôn ở vị trí yếu thế hơn. Khi bị xâm phạm về quyền lợi, nhiều NLĐ đã âm thầm chịu đựng hoặc không biết những quyền lợi mình được hưởng, không nắm được các quy định của Nhà nước để bảo vệ mình. Họ cũng chưa thực sự biết cách tìm đến các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho mình mặc dù trên thực tế, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của NLĐ nguyên do thiếu kiến thức về pháp luật. Đây cũng là thực trạng chung mà không ít NLĐ gặp phải. Bởi thế, việc Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa khai trương hệ thống tư vấn pháp luật trực tuyến cho NLĐ, đoàn viên với phần mềm được cài đặt, tích hợp tại địa chỉ: www.congdoan.vn là kênh thông tin cần thiết để họ có thể tự bảo vệ mình.
Việc ra đời hệ thống tư vấn pháp luật như trên là phù hợp. Nhưng để có một giải pháp khả thi, mang tính đồng bộ, cần phải có thêm nhiều kênh thông tin, đa dạng hình thức tư vấn pháp luật. Việc mở rộng tư vấn, tuyên truyền pháp luật không chỉ chú trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức Công đoàn (TCCĐ), mà phải đi sâu vào chính các doanh nghiệp, các khu tập trung của công nhân như nhà trọ, tập thể, nơi sinh hoạt. Để biết tự bảo vệ quyền lợi của mình, vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng là NLĐ phải tự nâng cao kiến thức pháp luật về các vấn đề liên quan đến công việc, điều kiện ăn ở, hợp đồng lao động, quyền lợi được hưởng... Đồng thời, đòi hỏi TCCĐ phải thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi NLĐ. Công đoàn phải thực sự tiên phong trong việc hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn trong từng tình huống cụ thể, sự việc xảy ra với NLĐ; sẵn sàng vào cuộc quyết liệt trong tình huống tranh chấp phát sinh vì quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ. Ở tầm vĩ mô, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ để bảo vệ NLĐ trong mối quan hệ bình đẳng với người sử dụng lao động.
Chí Đức