Người dân toàn cầu đang phụ thuộc rất nhiều vào nền tảng Facebook.

Không thể phủ nhận việc ra đời và phổ biến của mạng xã hội đã giúp kết nối thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để người dùng chia sẻ và tiếp nhận thông tin. Tuy nhiên, thế giới nào cũng có các luật lệ và quy định của riêng nó. Với Facebook, đó là các thuật toán cho phép thông tin nào được xuất hiện, thông tin nào được lan truyền tốt hơn… Các thuật toán này chẳng khác nào các công cụ để Facebook kiểm soát thế giới của mình và dĩ nhiên thế giới ảo của Facebook tác động trực tiếp đến thế giới thật của chúng ta.

Gần đây, nhiều quốc gia đã lên tiếng chỉ trích Facebook, thậm chí áp dụng các điều khoản luật lên mạng xã hội khổng lồ này và không ngần ngại áp dụng các án phạt mạnh tay, kể cả cấm cửa Facebook. Vậy nên, không có gì lạ khi Maria Ressa - nhà báo Philippines đoạt giải Nobel Hòa bình 2021, cho rằng Facebook đe dọa dân chủ khi "ưu tiên lan truyền những lời dối trá". Trong cuộc phỏng vấn hôm 9-10 sau khi đoạt giải Nobel Hòa bình, bà Ressa, đồng sáng lập hãng tin chuyên điều tra Rappler của Philippines, cho biết: Các thuật toán của mạng xã hội Facebook "ưu tiên lan truyền những lời dối trá, đi kèm sự tức giận và thù ghét đối với sự thật".

Vì sao bà Ressa đánh giá Facebook "ưu tiên chống sự thật và chống báo chí" dù Facebookđã trở thành nền tảng phân phối tin tức lớn nhất thế giới?Tờ Rappler của bà đảm nhiệm công việc xác minh thông tin cho Facebook ở Philippines trong cuộc chiến chống tin giả. Với vai trò là một trong những tiếng nói nổi bật chỉ trích Tổng thống Philippines - Rodrigo Duterte, cũng như chiến dịch trấn áp ma túy cứng rắn của ông, bàRessa từng bị những người ủng hộ Tổng thống công kích dữ dội trên Facebook,gây tổn hại uy tín của bà và hãng Rappler.

Facebook, mạng xã hội có tới 3 tỷ người dùng, luôn phủ nhận mọi sai phạm. Tuy vậy, nếu hiểu Facebook như một xã hội thu nhỏ thì các thuật toán hay các “sắc lệnh hành chính” tự Facebook đưa ra đều mang tính quyết định tới dòng chảy thông tin và quyền truy cập thông tin đó. Không chỉ người bên ngoài mới nêu ra thực trạng này mà bà Frances Haugen - cựu giám đốc Facebook,đã tố cáo với các nhà lập pháp Mỹ rằng "người khổng lồ" trong lĩnh vực truyền thông xã hội này đang gây chia rẽ trong cộng đồng, gây hại cho trẻ em và cần có những quy định chỉnh đốn khẩn cấp; theo đó yêu cầu Quốc hội thực hiện các biện pháp đã bị trì hoãn từ lâu. Phát biểu trước một ủy ban của Thượng viện Mỹ tuần trước, bà Haugen cho biết: "Tôi tin rằng các sản phẩm của Facebook gây hại cho trẻ em, gây chia rẽ trong xã hội và làm suy yếu nền dân chủ của chúng ta. Hành động của Quốc hội là cần thiết. Họ sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng này, nếu không có sự vào cuộc của nhà chức trách".

          Bà Haugen nhấn mạnh quyền lực của mạng xã hội này đang đan chặt vào cuộc sống hằng ngày của hàng tỷ người dùng trên thế giới. Bà cũng lưu ý rằng nền tảng mạng xã hội này đang thúc đẩy nhiều nguy cơ như chứng rối loạn ăn uống, sự xấu hổ về cơ thể và không hài lòng về bản thân. Theo bà, đây là những vấn đề nguy hiểm, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi.

         Facebook có tác động tới cuộc sống hằng ngày của thế giới này hay không. Câu trả lời là có bởi chỉ một ngày sau khi bà Haugen lên án mạng xã hội này trước Quốc hội Mỹ, Facebook, cùng ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram và dịch vụ nhắn tin WhatsApp của mạng xã hội này đã gặp sự cố gián đoạn hoạt động trong khoảng 7 giờ. Sự cố ngay lập tức ảnh hưởng tới hàng tỷ người dùng, qua đó cho thấy người dân toàn cầu đang phụ thuộc rất nhiều vào nền tảng này. Như vậy, một khi gần một nửa dân số thế giới là công dân của mạng xã hội Facebook, đây là lúc để chính phủ các nước cần có các biện pháp giám sát, quản lý Facebook và các mạng xã hội chặt chẽ hơn, tránh để thế giới Facebook trong tay chỉ một người lãnh đạo.

         Thanh Huyền