Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay của nước ta đã đạt hơn 3,5 triệu tấn và phấn đấu cả năm xuất khẩu 7 triệu tấn gạo. Thực hiện tốt mục tiêu nhiệm vụ này, chúng ta sẽ giữ vững và phát triển được sản xuất nông nghiệp trong nước

Mặc dù chúng ta đã có rất nhiều cố gắng trong sản xuất lúa và xuất khẩu gạo, nhưng hiện nay, trên thế giới có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến việc xuất khẩu gạo của nước ta, có những tác động lớn từ các thị trường nhập khẩu gạo lớn. Các nước có truyền thống sản xuất và xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan đang tăng cường bán ra hàng chục triệu tấn gạo giá rẻ, nhất là ở thị trường châu Phi mà ngoài lợi thế giá rẻ, các nước Ấn Độ và Thái Lan còn có chi phí vận chuyển thấp hơn vì khoảng cách gần hơn so với Việt Nam; tuy nhiên, trong nửa năm nay, chúng ta cũng đã ký hợp đồng xuất khẩu sang các nước châu Phi được 1,1 triệu tấn. Ngoài ra, thị trường Trung Quốc- thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam (chiếm khoảng 1/3 lượng gạo xuất khẩu) luôn có nhiều rủi ro và không ổn định. Dự báo trong năm 2013 này, thị trường Trung Quốc sẽ nhập khoảng 3 triệu tấn gạo (trong đó có gạo Việt Nam), tăng 680.000 tấn so với năm 2012; nhưng lại đang dẫn đầu trong số các thị trường trong việc ép giá, hủy hợp đồng. Liên tục bị các thị trường nhập khẩu gạo trọng điểm ép giá, làm giá gạo thu mua của bà con nông dân trong nước không thể tăng lên được; bên cạnh đó, áp lực tiêu thụ lúa hè thu trong các tháng cao điểm mùa mưa sắp tới và lượng gạo tồn kho trong các doanh nghiệp xuất khẩu gạo còn nhiều, chừng 780.000 tấn nên các doanh nghiệp không hào hứng trong chuyện thu mua tạm trữ lúa gạo. Mức giá thu mua chừng 4.100-4.200 đồng/kg lúa thì bà con nông dân mới có lãi, nhưng thực tế vừa qua tại các vùng đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa chỉ đạt 3.500- 3.800 đồng/kg nên người nông dân bị lỗ nặng, không còn hào hứng với sản xuất và với áp lực trả nợ ngân hàng nên thường bà con phải bán ngay khi mới thu hoạch. Đến thời điểm này, do có sự tăng trưởng về xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc và châu Phi nên giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long đã tăng lên 4.700-4.800 đồng/kg, với mức giá như vậy, theo tính toán sẽ cho lãi khoảng 10 triệu đồng/ha nhưng cũng lại là lúc bà con đã bán hết lúa. Việc đẩy mạnh xuất khẩu giải quyết hàng tồn tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển và cùng với đó là nâng giá lúa gạo trong nước để bà con nông dân có lãi 30% trong sản xuất lúa gạo đang là những áp lực cao cho sản xuất và xuất khẩu gạo của nước ta hiện nay. Chính phủ đã quyết định tạm ứng để các doanh nghiệp thu mua, tạm trữ thêm 1 triệu tấn gạo nhằm giữ giá lúa gạo cho bà con nông dân. Chủ trương đúng nhưng thực tế thực hiện thì còn nhiều vấn đề cần bàn kỹ vì thu mua tạm trữ để giữ giá, nâng giá lúa nhưng trên thực tế thì giá lúa một số thời điểm ở nhiều vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm lại còn xuống thấp hơn, gây lỗ nặng cho bà con nông dân... Sản xuất lúa gạo theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, áp dụng các phương pháp sản xuất hiện đại, trồng các giống lúa có chất lượng cao, công tác bảo quản sau thu hoạch có hiệu quả để giảm tỷ lệ rơi vãi và nảy mầm… tăng sản lượng và cùng đó là các biện pháp chỉ đạo, điều hành, thực hiện quyết liệt của Chính phủ và các cơ quan chức năng đang là hướng đi tới trong sản xuất lúa gạo và nâng cao sản lượng và giá trị của hạt gạo Việt Nam. 6 tháng đầu năm đã qua, còn lại gần nửa năm nữa để chúng ta thực hiện các mục tiêu đã định cho sản xuất nông nghiệp cũng như trong xuất khẩu hạt gạo Việt Nam ra thế giới, ổn định sản xuất, ổn định cuộc sống người dân.

Bài và ảnh:

MẠNH HẢI