Trong buổi họp ngày 28/10 tại Hà Nội, Tổ điều hành thị trường trong nước nhận định: Thời gian tới, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động từ giá một số hàng hóa nguyên nhiên vật liệu: như dầu thô đang có xu hướng tăng. Cùng với đó là sự biến động tỷ giá USD/VND các tháng cuối năm sẽ ảnh hưởng tới giá hàng hóa nhập khẩu. Bên cạnh đó, giá cả cũng chịu tác động bởi nhu cầu một số hàng thiết yếu tăng vào mùa lạnh, dịp cuối năm và tình hình dịch bệnh đang có nguy cơ tái phát trong giai đoạn chuyển mùa. Tuy nhiên, với việc tích cực thực hiện các giải pháp trong Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, công tác chuẩn bị hàng hóa theo kế hoạch tại các địa phương, nguồn cung vẫn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, nên giá hàng hóa không có biến động lớn.
Theo Tổ điều hành thị trường, các mặt hàng lương thực trong thời gian tới sẽ tăng nhẹ, nhất là mặt hàng gạo, bởi cuối năm lượng gạo chuẩn bị cho dịp Tết Nhâm Thìn và gạo dành cho xuất khẩu cũng tương đối lớn, sẽ khiến cho giá tăng hơn so với trước. Cùng đó, mặt hàng rau xanh cũng có thể tăng còn các loại thực phẩm tươi sống tiếp tục ổn định.
Về mặt hàng nhu yếu phẩm, các chuyên gia khẳng định rằng: Giá đường trong tháng 11 dự báo ổn định bởi cuối tháng này sẽ có khoảng 30 nhà máy đường đi vào hoạt động với lượng đường ép đạt khoảng 120.000 tấn, cùng với lượng đường tồn kho có khả năng đáp ứng đủ nhu cầu. Trong khi đó, giá sữa bột nhập khẩu được dự báo có thể tăng nhẹ do biến động về tỷ giá. Riêng mặt hàng muối được dự báo tiếp tục giữ giá và chỉ tăng nhẹ do sản xuất đã bước vào cuối vụ nên lượng muối sản xuất không nhiều. Cùng với đó là thời tiết không thuận, mưa lũ nhiều nên việc lưu thông cũng bị ảnh hưởng.
Nhóm hàng xây dựng cũng được dự báo sẽ không có biến động trong tháng 11. Trái với quy luật hàng năm, thời điểm này sản xuất và tiêu thụ thép giảm mạnh do thị trường bất động sản còn trì trệ, doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn khi lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Do sản xuất và tiêu thụ không mạnh nên giá thép và xi măng trong tháng 11 được dự báo tiếp tục ổn định./.
A Hoàng