Từ tháng 2-2019 đến 7-2021, Tổ CCB Tiểu đoàn 4 - Bộ Tư lệnh Miền Đông phối hợp quy tập được 34 liệt sĩ hy sinh tại địa bàn ấp Sùng Đức thuộc chi khu Kiến Đức cũ (nay là xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông).

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những mất mát, hy sinh vẫn còn đó trong nhiều gia đình Việt Nam, nhiều hài cốt liệt sĩ (HCLS) vẫn chưa được tìm thấy. Thấu hiểu hơn ai hết những mất mát, đau thương do chiến tranh gây ra, nhiều thế hệ CCB và hội viên CCB vẫn đang hằng ngày, hằng giờ âm thầm, bền bỉ, dành thời gian, tâm sức, tiền bạc cho việc tìm kiếm đồng đội, đưa các anh trở về quê mẹ - đó cũng là niềm mong mỏi thiết tha của biết bao gia đình có người thân hy sinh vì Tổ quốc.

Thời gian qua, thực hiện Đề án số 1237 về công tác tìm kiếm, quy tập HCLS và Đề án số 150 về xác định danh tính HCLS còn thiếu thông tin, các cấp Hội, hội viên và CCB trong cả nước đã có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính HCLS. Phong trào “Vận động CCB cung cấp thông tin, đi tìm đồng đội” được tuyên truyền sâu rộng tới Hội CCB cấp cơ sở. Từ năm 2013 đến 2020, các cấp Hội tiếp nhận, thẩm định 16.512 phiếu có thông tin nơi chôn cất liệt sĩ (khoảng 7% số phiếu phát ra) gửi về các đơn vị làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập, trong đó, cung cấp 454 phiếu có thông tin liệt sĩ hy sinh tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; phối hợp khảo sát, xác minh hàng trăm mộ liệt sĩ tập thể; có 2.996 CCB dẫn đường cho đơn vị làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập. Nguồn thông tin do tổ chức Hội, hội viên và CCB cung cấp giúp tìm kiếm, quy tập được 3.804 HCLS; báo tin mộ liệt sĩ đến 7.725 gia đình liệt sĩ; tham gia hoàn thiện hồ sơ, danh sách; kết luận địa bàn lập bản đồ tìm kiếm, quy tập HCLS…

Thượng tướng Nguyễn Văn Được - Chủ tịch Hội CCB Việt Nam khẳng định: “Đối với Hội CCB, cần phải xác định đây là trách nhiệm và cũng là vinh dự với đồng đội. Các cấp Hội cần phối hợp chặt chẽ với Cơ quan quân sự, các ban, ngành, đoàn thể, lấy tin trong dân tại địa bàn xảy ra chiến tranh, tham gia tìm kiếm, cất bốc HCLS chu đáo”.

Với những người lính Cụ Hồ, quy luật của thời gian chỉ có thể bào mòn sức khỏe của họ, chứ không thể làm phai mờ nhiệt huyết, quyết tâm đi tìm đồng đội. Dẫu tuổi cao, nhưng họ luôn mong mỏi có cơ hội trở lại chiến trường xưa để tìm và đón đưa các đồng đội của mình về đoàn tụ với gia đình, quê hương.

21 năm qua, CCB Cao Việt Đức (thôn Trại Đảng, xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) phối hợp với các đơn vị tìm kiếm được 1.646 mộ liệt sĩ, đưa 1.191 HCLS về quê nhà. Trong 10 năm trở lại đây, ông đã đi sâu vào phương pháp giám định ADN các nhóm mộ lớn và giám định tổng thể một số nghĩa trang. Khi có thông tin chính xác, ông gửi mẫu hồ sơ và đề nghị Hội CCB tại địa phương có liệt sĩ hy sinh tới nhà hướng dẫn thân nhân liệt sĩ làm hồ sơ xin lấy mẫu ADN... Năm 2020, ông được tôn vinh là “Tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Luôn trăn trở với những người đồng đội còn nằm lại nơi chiến trường xưa, Ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 1 - U Minh (Quân khu 9), với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, Ban Liên lạc đã khoanh vùng và xác định được chính xác khu mộ tập thể nơi có nhiều hài cốt liệt sĩ hy sinh trận Ba Càng (xã Song Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Nhờ đó, 22 mộ liệt sĩ đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long. CCB Trần Tường Huấn tâm sự: “Ban Liên lạc cầu mong các liệt sĩ được xác định thông tin và sớm được trở về với gia đình”.

Thực hiện phong trào “Vận động CCB cung cấp thông tin, đi tìm đồng đội”, các cấp Hội CCB tỉnh Phú Yên đã in ấn, cấp phát trên 2.050 phiếu cung cấp thông tin cho 110/110 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; tổ chức cho 70 CCB tham gia 10 đợt dẫn đường, khảo sát theo phiếu cung cấp thông tin. Qua đó đã tìm kiếm cất bốc được 6 HCLS đưa vào các nghĩa trang liệt sĩ. CCB ở cơ sở cung cấp 40 thông tin về mộ liệt sĩ cho thân nhân liệt sĩ. Hội CCB tỉnh còn đề nghị Cục Người có công, Bộ LĐTBXH cho lấy sinh phẩm giám định ADN cho 8 trường hợp; điều chỉnh thông tin trên 5 bia mộ liệt sĩ.

Tận dụng lợi thế của mạng xã hội có tốc độ kết nối nhanh, phạm vi chia sẻ rộng, nhiều CCB lập các trang tìm kiếm HCLS hiệu quả trên Facebook như: “Tìm hài cốt liệt sĩ”, “Tìm kiếm liệt sĩ mặt trận B3 Tây Nguyên”, “Người đưa đò (kết nối thông tin mộ liệt sĩ)”… Kết nối của cộng đồng mạng đã giúp nhiều CCB và gia đình liệt sĩ tìm ra manh mối thông tin qua những kỷ vật như: thư từ, giấy báo tử, ảnh chụp...

Chung tay phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính HCLS, các cấp Hội, hội viên và CCB vẫn quyết tâm đi tìm những người con ưu tú đã hy sinh thân mình vì nền độc lập dân tộc về với gia đình, để người thân được yên lòng. Công việc thầm lặng ấy như lời tri ân đồng đội đã hy sinh để có cuộc sống hòa bình hôm nay.  

Hồ Thanh Hương