Đồng chí Mùa A Trá - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lai Châu phát biêu tại Hội thảo.
Cuộc Hội thảo đóng góp vào “Đề án xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới” (dưới đây gọi tắt là Đề án) của Hội CCB Việt Nam, làm cơ sở để Ban Chấp hành T.Ư Hội ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, vừa được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết từ cơ sở - “trúng” ý khêu gợi của Trung tướng Nguyễn Song Phi - Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam chủ trì Hội thảo.
Kể từ số báo hôm nay, Báo CCB xin trích đăng một số ý kiến tại Hội thảo.
Ý kiến đóng góp đầu tiên là của đồng chí Vũ Đình Liễu - Trưởng ban Tổ chức - Chính sách Hội CCB T.P Hà Nội.
Dẫn ra những số liệu rất thuyết phục của Hội CCB T.P Hà Nội đề làm rõ đề xuất: Cần có những giải pháp, hoặc quy định “mở” phù hợp với từng vùng, miền; nhất là những vùng miền có số lượng CCB đông, để phát huy vai trò của CCB trong nhiệm vụ “Tham gia góp ý xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ nhân dân…”. Đây là một trong 6 nhiệm vụ của cấp cơ sở Hội (phường, xã, thị trấn) được quy định tại Điều 21, Chương V của Điều lệ Hội (2017-2022).
Vì có những tỉnh, thành số lượng hội viên CCV rất đông. Ví dụ như Chi hội CCB thị trấn Đông Anh, T.P Hà Nội có tới 1.988 hội viên, trong thực tế rất khó tổ chức sinh hoạt thường kỳ cho một Chi hội có số lượng hội viên đông như thế, nên chủ yếu phải sinh hoạt ở cấp chi hội, phân hội. Mà cấp chi hội, phân hội dưới cơ sở, quy định ở Điều 24 (Chương V) là: “Tạo thuận lợi cho sinh hoạt, công tác và thăm hỏi giúp đỡ nhau” - từ 1 đến 3 tháng sinh hoạt một lần.
Vừa qua các ý kiến tham gia đóng góp xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ nhân dân… của CCB T.P Hà Nội nói riêng, các địa bàn khác trong cả nước nói chung cơ bản là rất “trúng” và rất đúng, được tổ chức Đảng các cấp và chính quyền trân trọng nghiên cứu thực hiện, nhưng chủ yếu là đóng góp ở các Hội nghị tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội và các phiên họp HĐND các cấp...
Tình trạng trên không chỉ ở những thành phố lớn mà kể cả ở nhiều tỉnh, thành khác, như Phú Thọ, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình...
Tuy nhiên, lại có một thực tế khác nữa, là có một số tỉnh ở vùng sâu, vùng xa hội viên CCB phân bổ không đều, dẫn đến ở thị trấn, thành phố thì đông; xã, bản thì ít hội viên. Ví dụ như tỉnh Lai Châu, đồng chí Mùa A Trá - Chủ tịch Hội cho biết, toàn tỉnh có 12.000 hội viên, nhưng nhiều xã chỉ có 4 hội viên trở xuống nên không đủ thành lập chi Hội cơ sở. Trong Điều lệ Hội lại chưa quy định những xã, phường dưới 5 hội viên thì thành lập phân hội...
Có một thực tế là, cơ bản ở những nơi đông hội viên thì chất lượng hội viên cũng thường cao hơn. Ví dụ như T.P Hà Nội, hội viên cấp Thượng tá, Đại tá là 15.000/270.000 hội viên; 93.440 hội viên là đảng viên, đạt tỷ lệ 34,52%; 364 hội viên là cấp Tướng; 90 đồng chí là Anh hùng LLVTND và Anh hùng Lao động... Còn ở tỉnh Lai Châu, hiện nay có 2 huyện Chủ tịch Hội là Hạ sĩ quan; 5 huyện chưa có Phó chủ tịch Hội...
Đề xuất của đồng chí Vũ Đình Liệu là ngoài những giải pháp chung, Đề án cần có những giải pháp riêng cho từng vùng miền. Với những tỉnh, thành phố có số lượng hội viên đông, chất lượng cao thì phải tăng cường nâng cao chất lượng sinh hoạt ở cả cấp dưới cơ sở (chi hội, phân hội) và tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên; thông tin kịp thời dư luận xã hội và thông báo, phổ biến những chủ trương, đường lối chính sách mới của Đảng, Nhà nước và địa phương cho hội viên cơ sở thực hiện và phát huy tốt nhiệm vụ số một của hội viên Hội CCB là “Tham gia góp ý xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ nhân dân…”.
(còn nữa)
Nhật Nguyễn