Vào Lăng viếng Bác Hồ xong thì trời đã xế trưa, nhưng hai ông bà không về ngay nhà người cháu ở Nam Đồng, mà còn ngồi lại trên chiếc ghế đá phía sau, gần Lăng nhất. Ông là Nguyễn Công Phức, bà là Phạm Thị Hồng Hoa, từ phường Lộc Thọ, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà ra thăm Hà Nội, viếng Bác và dự SEA Games 22: "Ba má muốn ở bên Lăng thêm chút nữa, kẻo mai mốt về Nha Trang biết bao giờ mới lại được gần Bác".

Bà vừa rưng rưng nói với tôi như thế thì điện thoại di động trong túi ông đổ chuông. Ông nghe rồi nói với bà: "Thằng Trung Thành hỏi ba má có khoẻ không, nó "tị" với mình được trực tiếp hưởng không khí SEA Games ở Hà Nội. Con Chung Thuỷ cũng đang ở nhà, nó muốn nói chuyện với em đây"...

  • Trung Thành, Chung Thuỷ, ba má đặt tên các con nghe hay quá, chắc còn ý nghĩa nữa?

Ông bà nhìn nhau thoáng chút ngượng ngùng rồi như mãn nguyện, hạnh phúc, bà nói "Chuyện của ba má dài lắm nghe con"!

Cuối năm 1952, chàng trai Đô Lương, Nghệ An Nguyễn Công Phức vừa tròn 17 tuổi gia nhập đoàn quân Nam tiến. Anh được bổ sung về Tỉnh đội Quảng Ngãi, vừa chiến đấu, vừa bí mật xây dựng cơ sở cách mạng. Xuống thị trấn Tư Nghĩa, anh gặp cô du kích "trẻ người, già kinh nghiệm" Phạm Thị Hồng Hoa. Từ tình cảm với cách mạng, giữa họ đã nảy nở tình đồng chí, tình bạn, rồi tình yêu. Đầu tháng 9-1954, đám cưới của họ được tổ chức, thật đơn giản mà ấn tượng. Nhà gái còn có họ hàng, nhà trai chỉ có cán bộ phân đội và mấy anh "Nam tiến". Nhà gái toàn người chí cốt cách mạng nên "thách cưới" chú rể rất to: phải có đủ lòng trung thành, chung thuỷ? chú rể lém lỉnh, tự hào lấy ngay quê hương Xô-viết Nghệ Tĩnh và quê hương Bác Hồ ra để "đáp lễ". Họ ở với nhau chưa đầy "tuần trăng mật", chỉ có 3 ngày 2 đêm thì anh Phức đi nhận nhiệm vụ mới. Lúc chia tay anh nói với vợ: "Điều thách cưới không chỉ với riêng anh, cả hai vợ chồng mình còn nợ gia đình, nợ cách mạng, dù hoàn cảnh nào chăng nữa, chúng mình cùng son sắt thực hiện nghe em. Con chúng ta sau này nhất định sẽ mang những cái tên như thế". Họ không ngờ, từ đó biệt xa nhau.

Tháng 5-1955, anh Phức được điều ra Bắc tập kết. Vì bí mật và gấp quá, nên trước khi đi anh không được về gặp vợ, chỉ ghi lại mấy chữ báo tin. Sau khi chồng ra Bắc, chị Hồng Hoa nhận nhiệm vụ đặc biệt là hoạt động nội gián, móc nối xây dựng các cơ sở cách mạng, rồi gia nhập Quân giải phóng. Anh Phức ra Bắc, được đào tạo sĩ quan pháo binh rồi công tác biền biệt bên chiến trường nước bạn Lào. Hai vợ chồng bặt tin nhau...

Cuối năm 1965, trong đoàn đại biểu chiến sĩ ưu tú Quân giải phóng Liên khu 5 ra Hà Nội, có một người con gái nhỏ thó, xanh xao. Nhìn cô mọi người ái ngại và đưa luôn vào Bệnh viện 108 điều trị, đó là Phạm Thị Hồng Hoa. Sức khoẻ đã khá, cô được chuyển về Đoàn an dưỡng 251. Ở đây, tình cờ thế nào cô lại gặp một người cùng quê anh Phức. Người đó bảo lâu nay không biết gì về anh Phức, nhưng anh Phức có một người anh đang ở Hà Nội. Chị Hồng Hoa tức tốc tìm đến. Đã từng nghe em kể, người anh chồng nhận ra ngay em dâu. Những thông tin chính thức về chồng được sáng tỏ, khiến chị Hồng Hoa oà khóc. Lúc này anh Phức cũng vừa từ Lào về và đóng quân ở Tây Bắc. Nghe anh trai điện báo, anh xin về ngay Hà Nội. Vợ chồng gặp nhau mừng mừng tủi tủi, thời điểm đó là đầu năm 1967, nghĩa là sau hơn 12 năm vợ chồng họ mới được gặp nhau.

Tổ chức cảm kích trước tình yêu của họ, đã tạo điều kiện cho anh Phức đi học lớp quản lý kinh tế dành cho thương bệnh binh, rồi chuyển ngành ra công tác ở Nhà máy bơm Hải Dương. Chị Hồng Hoa được đi học lớp y tá rồi về nhận công tác ở Đoàn an dưỡng quân đội cũng tại Hải Dương để vợ chồng được gần nhau. Năm 1968, chị Hồng Hoa sinh con đầu lòng, năm 1972 sinh con thứ hai. Điều thách cưới xưa kia "Trung Thành, Chung Thuỷ", họ đã thực hiện trọn vẹn và đúng như dự định, nay là tên hai đứa con của họ. Tháng 2-1978, gia đình chuyển vào sinh sống, công tác tại Nha Trang. Cả hai ông bà tiếp tục đảm đương tốt nhiều cương vị công tác tại địa phương. Năm 1997, ông Phức về hưu với chức Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hoà. Hiện nay tuy tuổi cao, nhưng ông bà vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội. Noi gương ba má, con cái họ đều học hành, luyện rèn thành đạt. "Con trai, con gái, con rể, ba má đều là đảng viên. Con dâu là đối tượng Đảng, hy vọng nó phấn đấu tốt để được kết nạp vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng tới đây" - Ông bà nói với tôi như thế, mặt ngời thêm niềm vui, hạnh phúc, tựa tình yêu, mùa xuân vĩnh hằng ở họ.

Bài và ảnh: Tô Thành Tuyên