Trong lúc các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên lâm vào bế tắc mấy năm nay, Triều Tiên đã làm cả thế giới bất ngờ khi liên tiếp thực hiện các vụ thử tên lửa trong những ngày đầu năm 2022 khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng.
Sau các vụ bắn tên lửa ngày 4, 11 và 14-1, Triều Tiên tuyên bố đã tiến hành thử nghiệm thành công tên lửa dẫn đường chiến thuật và tên lửa siêu vượt âm. Tiếp đó, sáng 18-1, Triều Tiên xác nhận đã phóng hai tên lửa dẫn đường chiến thuật trong vụ thử tiến hành một ngày trước đó nhằm kiểm tra độ chính xác của hệ thống vũ khí này. Như vậy, kể từ đầu năm tới nay, Bình Nhưỡng đã liên tiếp tiến hành 4 vụ phóng thử tên lửa ra vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên.
Trong lúc kinh tế khó khăn và chịu nhiều lệnh cấm vận, Triều Tiên tiến hành những vụ thử tên lửa tốn kém để làm gì? Có nhiều lý giải cho hành động này của Triều Tiên. Thứ nhất, những hành động này nằm trong kế hoạch tăng cường năng lực phòng thủ quốc gia của Bình Nhưỡng, đồng nghĩa với tăng cường năng lực tự chủ nhằm giải quyết những thách thức bên trong và bên ngoài cản trở sự tiến bộ của đất nước, như lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Đại hội lần thứ VIII đảng Lao động Triều Tiên diễn ra tháng 1-2021. Trong thông điệp nhân năm mới 2022, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đề cập đến quyết tâm tiếp tục củng cố năng lực quân sự của nước này trong bối cảnh an ninh có nhiều bất ổn trên bán đảo Triều Tiên và tình hình quốc tế. Trên thực tế, năm 2021, sau Đại hội lần thứ VIII đảng Lao động Triều Tiên, nước này đã thực hiện ít nhất 8 vụ phóng tên lửa, trong đó có vụ thử nghiệm tên lửa được phóng từ tàu ngầm hồi tháng 10-2021. Ngay tại lễ duyệt binh mừng thành công Đại hội, Triều Tiên đã trình diễn nhiều vũ khí tối tân, trong đó có cả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Đó là câu trả lời thuyết phục nhưng có lẽ thuyết phục hơn là việc bắn tên lửa của Triều Tiên nhằm "phô trương sức mạnh", chuyển tải thông điệp cả quân sự lẫn chính trị, trong bối cảnh tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên không đạt bước tiến cụ thể nào kể từ khi Tổng thống Mỹ - Joe Biden nhậm chức cách đây 1 năm. Bốn vụ thử tên lửa liên tiếp trước dịp kỷ niệm 1 năm ngày ông Biden nhậm chức được cho là để gây sức ép đối với liên minh Hàn Quốc và Mỹ.
Tuy vậy, theo giới phân tích, dù Triều Tiên có thử bao nhiêu tên lửa đi nữa thì vấn đề Triều Tiên hiện nay không nằm trong ưu tiên của Mỹ. Nói cách khác, với các ưu tiên chính sách hiện nay của Washington, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ dậm chân tại chỗ cho dù Washington khẳng định sẽ đối thoại không điều kiện với Bình Nhưỡng bất kỳ thời điểm nào. Chính quyền Tổng thống Biden hầu như không có động thái nào thúc đẩy đàm phán hay nhượng bộ những yêu cầu của Bình Nhưỡng, trước hết là yêu cầu dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Thậm chí, ngay sau vụ Bình Nhưỡng phóng tên lửa ngày 11-1, Mỹ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 6 quan chức Triều Tiên có liên quan tới chương trình phát triển tên lửa của nước này. Bởi vậy, không ít ý kiến cho rằng 2 vụ thử tên lửa tiếp đó của Triều Tiên (ngày 14 và 17-1) là nhằm phản ứng với lệnh trừng phạt mới của Mỹ.
Với Hàn Quốc, có thể thấy nước này đã “tương kế, tựu kế” khi cũng tranh thủ nâng cao năng lực quân sự của mình đồng thời tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ. Hồi tháng 9-2021, ngay sau một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, Hàn Quốc cũng đã phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, trở thành nước thứ bảy trên thế giới sở hữu tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) tự sản xuất, sự kiện mà phía Triều Tiên tuyên bố “ có thể dẫn tới đổ vỡ trong quan hệ hai bên”. Hàn Quốc và Mỹ cũng tiếp tục các cuộc tập trận thường niên, vốn bị Bình Nhưỡng phản đối và coi là hoạt động diễn tập nhằm chuẩn bị tấn công Triều Tiên.
Khi cơ hội đàm phán Mỹ - Triều Tiên dưới thời của ông Biden gần như không có, việc Mỹ phớt lờ các nỗ lực tạo đột phá trong giải quyết vấn đề hạt nhân trên báo đảo Triều Tiên cùng việc Bình Nhưỡng quyết tâm nâng cao năng lực quân sự của mình chỉ làm kéo dài thêm nguy có bất ổn ở Đông Bắc Á. Tuy vậy, bất ổn trong khu vực không phải bây giờ mới có mà nó đã tồn tại mấy chục năm qua và xem chừng dù nóng đến đâu các bên cũng đã có kinh nghiệm không để tình hình vượt khỏi vòng kiểm soát.
Thanh Huyền