Rừng ở huyện Kbang, tỉnh Gia Lai bị đốn hạ.
Ông Nay Ú - Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Mố cho biết: Đơn vị quản lý hơn 24.000ha rừng, trong đó khoảng 22.000ha là đất rừng. Người dân nơi đây có tập tục hằng năm phát rộng, “cơi nới” thêm rẫy để chia cho con cái sau khi lập gia đình, ở riêng. Gần đây, vùng rừng sản xuất thuộc địa phận xã Chư Mố, được UBND tỉnh Gia Lai cho phép Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long - Gia Lai mở đường vào khu khai thác mỏ quặng chì, kẽm, thuộc tiểu khu 1206 nên tình hình phá rừng ở đây càng phức tạp.

Cũng ở Gia Lai, gần đây, Kiểm lâm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh phát hiện lâm tặc chặt hạ những cây gỗ hương to có đường kính gần 2m ở khoảnh 1, tiểu khu 109, với khối lượng thiệt hại hơn 92m3. Trong khi đó, rừng thuộc sự quản lí của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa (huyện Kbang), vốn có khá nhiều gỗ trắc, gỗ huỳnh đàn đỏ thuộc loại quý hiếm, nhưng bây giờ đã cạn kiệt.

Không “kém” Gia Lai, trong số hơn 510.000ha rừng tỉnh Kon Tum giao cho 18 chủ rừng là các công ty lâm nghiệp và ban quản lý, đã mất hơn 40.000ha. Các đơn vị để mất rừng nhiều là: Công ty TNHH một thành viên Ngọc Hồi, hơn 5.254ha, Công ty TNHH MTV Đăk Glei hơn 5.396ha, Công ty THHH MTV Kon Plông, hơn 4.332ha, Công ty TNHH MTV Đăk Tô, hơn 2.934ha...

Chủ tịch UBND các tỉnh đều trực tiếp chỉ đạo UBND các huyện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra phá rừng từ đầu năm 2017 đến nay. Cùng sự thiệt hại về gỗ quý, nhiều cán bộ, nhân viên kiểm lâm và các đơn vị quản lí, bảo vệ rừng đã bị khởi tố, nhưng xem ra đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về tình trạng phá rừng hiện nay. Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên từ giữa năm 2016. Rừng ở Tây Nguyên không còn nhiều và đang từng ngày bị mất, nhưng vẫn chưa có giải pháp quản lý hữu hiệu để giữ lấy những cánh rừng quý cuối cùng còn sót lại.

Tuấn Kiệt