Chính vì vậy, trong hành trang ra khơi dài ngày của mỗi con tàu, bao giờ các ngư dân cũng mang theo nhiều lá cờ Tổ quốc để sẵn sàng thay thế cho lá cờ cũ bị sóng gió, nước biển làm bạc màu.
Vừa kéo lá cờ Tổ quốc lên đỉnh cột buồn chiếc tàu đánh cá mang số hiệu QNa 91739 TS có công suất 600 mã lực, vốn đầu tư 4,3 tỷ đồng đang chuẩn bị đầy đủ vật tư nhiên liệu cho chuyến đi biển dài ngày mới, thuyền trưởng kiêm chủ tàu, anh Ngô Văn Điệp ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam tâm sự: Trước mỗi chuyến ra khơi, đích thân thuyền trưởng hoặc thành viên trẻ tuổi nhất trên tàu có nhiệm vụ buộc chặt lá cờ trên đỉnh cột buồm để lá cờ Tổ quốc suốt ngày đêm tung bay trong sóng biển khơi.
Việc thuyền trưởng đích thân treo cờ lên đỉnh cột buồn thể hiện sự thiêng liêng và trách nhiệm của mỗi thành viên trên con tàu đối với biển cả quê hương, lớn hơn nữa là trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc. Biển không những là nguồn sống của ngư dân mà còn là quê hương của ngư dân khi hành nghề dài ngày trên biển.
Câu nói “tàu là nhà, biển cả là quê hương” bao giờ cũng có ý nghĩa sâu sắc với mỗi ngư dân. Còn việc chọn người trẻ nhất trong tập thể lao động trên tàu treo cờ Tổ quốc lên đỉnh cột buồn trước mỗi chuyến ra khơi, theo anh Điệp là nhằm mang tính giáo dục tính kế thừa cho thế hệ trẻ. Đây là công việc vừa có ý nghĩa thiêng liêng, vừa mang yếu tố bắt buộc đối với mỗi con tàu hành nghề khai thác hải sản trên biển, nhất là tàu đánh bắt dài ngày ở ngư trường khơi xa.
Ông Ngô Tấn, Phó Gíam đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết: Để góp phần giúp đỡ ngư dân và cờ Tổ quốc không lúc nào ngừng tung bay trên biển, trong 3 năm qua, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện việc hỗ trợ kinh phí cho 328 lượt chiếc tàu đánh cá hoạt động dài ngày ở ngư trường tuyến khơi với tổng số tiền gần 70 tỷ đồng. Số tiền này được dùng để hỗ trợ nhiên liệu, hỗ trợ kinh phí bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên, hỗ trợ ngư dân mua máy liên lạc tầm xa, máy liên lạc có gắn thiết bị hệ thống định vị toàn cầu.
Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trong 3 năm qua, mỗi năm ngư dân Quảng Nam hạ thủy trên 30 tàu đánh cá có công suất lớn và được trang bị đầy đủ các phương tiện đi biển hiện đại để đáp ứng nhu cầu khai thác dài ngày trên biển. Không những đóng mới tàu có công suất lớn, trong quá trình hành nghề trên biển, ngư dân cả nước nói chung và ngư dân Quảng Nam nói riêng luôn nhận được sự giúp đỡ lúc khó khăn, hoạn nạn trên biển. Điều này góp phần giúp ngư dân yên tâm bám biển dài ngày hơn.
Là người gắn bó lâu năm với hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản của ngư dân trên biển, Đại úy Phạm Văn Doanh, Phòng Chính trị, Vùng Cảnh sát biển 2 tâm sự: Mỗi khi nhận được thông tin ngư dân gặp sự cố như phương tiện bị hỏng máy hoặc gặp nguy hiểm trong lúc gió bão khi đang hành nghề trên biển là không kể bất kỳ lúc nào, lực lượng cảnh sát biển làm nhiệm vụ ở khu vực gần tàu cá của ngư dân gặp nạn nhất sẽ được lãnh đạo Vùng điều động kịp thời đến cứu ngư dân một cách nhanh nhất có thể.
Những năm qua, Vùng Cảnh sát biển 2 thường có mặt kịp thời để cứu hàng chục trường hợp tàu thuyền ngư dân bị hỏng máy, bị trôi dạt trên biển về đất liền an toàn. Sự xuất hiện kịp thời của lực lượng Cảnh sát biển không những giúp ngư dân mỗi lúc gặp nạn bảo toàn được tính mạng và tài sản mà còn góp phần đáng kể trong việc tiếp thêm sức mạnh và nghị lực cho ngư dân bám biển khơi khai thác dài ngày.
Thượng tá Nguyễn Trường Quy, Đồn trưởng Đồn biên phòng cảng Kỳ Hà cho hay: Trong quá trình hành nghề trên biển, thông qua các phương tiện liên lạc được lắp đặt trên mỗi tàu đánh cá và hệ thống liên lạc bờ, lực lượng bộ đội biên phòng luôn luôn nắm vững được tình hình sản xuất của ngư dân trên các vùng biển gần xa để qua đó có biện pháp hỗ trợ kịp thời và hiệu quả khi ngư dân cần.
Sự gắn bó máu thịt giữa bộ đội biên phòng với ngư dân không những góp phần giúp đỡ ngư dân khi gặp sự cố trên biển mà còn góp phần “kéo” biển khơi xa của Tổ quốc về gần với đất liền hơn. Mấy năm qua, bên cạnh việc không ngừng hạ thủy tàu thuyền có công suất lớn, được trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị đi biển hiện đại, ngư dân miền Trung nói chung và ngư dân Quảng Nam nói riêng còn được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng hậu cần nghề cá ven bờ.
Nhiều hộ ngư dân đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để sắm mới các phương tiện làm dịch vụ cung cấp vật tư, nhiên liệu, lương thực thực phẩm và thu mua hải sản ngay trên biển. Điều này không những đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm hải sản khai thác được, nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn góp phần đáng kể trong việc vươn ra khơi xa bám biển dài ngày của ngư dân, Thượng tá Nguyễn Trường Quy nhấn mạnh.
Thêm một mùa Xuân mới đã về với non sông gấm vóc. Tết này, cùng với hàng vạn ngư dân đón Tết trên biển là hàng nghìn con tàu có công suất lớn của ngư dân miền Trung nói riêng và ngư dân cả nước nói chung mang theo bên mình lá cờ đỏ sao vàng linh liêng của Tổ quốc để vừa khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản, vừa góp phần giữ gìn và bảo vệ vùng ngư trường truyền thống lâu đời, vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc./.
Theo TTXVN