Tập luyện thường xuyên và phù hợp ở bệnh nhân thoái hóa khớp mang lại rất nhiều lợi ích: Kích thích phát triển sụn khớp và các thành phần khác của khớp; tăng cường sức mạnh cho khối cơ cạnh khớp; giảm cứng khớp, giảm đau và sưng khớp.

Các bài tập phù hợp cho người thoái hóa khớp

Bài tập tốt nhất cho người bệnh phụ thuộc vào khớp nào bị thoái hóa và thoái hóa đến mức độ nào. Sau đây là một số bài tập tham khảo:

Bài tập cải thiện độ vận động khớp (đạp xe tại chỗ, khiêu vũ...): Các bài tập này giúp duy trì vận động bình thường của khớp, giảm cứng khớp, tăng cường tính linh hoạt của khớp do bệnh nhân thoái hóa khớp thường bị giảm khả năng vận động khớp, đặc biệt các khớp chi dưới như khớp háng, khớp gối.

Tập erobic hoặc sức bền (như chạy xe đạp, đi bộ, thể dục nhịp điệu): Giúp cải thiện hệ thống tim mạch, kiểm soát cân nặng, nâng cao sức khỏe và sự cân đối cơ thể. Cần chú ý là khi tập các bài này không nên tập ở cường độ quá cao vì có thể gây tác dụng ngược do áp lực đè nén lên các khớp nhiều.

Các hoạt động hằng ngày, vừa sức như làm vườn, quét lá, đi bộ... nên được duy trì khoảng 30 phút mỗi ngày. Nếu mệt hay đau khớp thì có thể chia nhỏ ra thành nhiều lần thực hiện vì tác dụng của 3 lần đi bộ (mỗi lần 10 phút) cũng tương đương 1 lần đi bộ trong 30 phút.

Chế độ tập luyện...

Nguyên tắc chung cho mọi chế độ tập luyện là bắt đầu từ từ rồi tăng dần, khiến việc luyện tập thấy thú vị. Bên cạnh các bài tập, có thể phối hợp các hoạt động thư giãn hằng ngày. Nếu khớp bị đau khi tập thì cần giảm cường độ và thời gian tập, nếu bài tập nào khiến khớp đau kéo dài hơn 60 phút nghĩa là bài đó cần giảm cường độ hoặc giảm thời gian.

Chú ý: Các bài tập vận động khớp nên tập hằng ngày hoặc ít nhất là cách ngày. Các bài tập sức bền hoặc aerobic tập 20-30 phút mỗi lần, 3 lần mỗi tuần trừ khi đau nhiều hoặc sưng khớp thì tập thưa hơn. Mỗi bệnh nhân thoái hóa khớp đều cần luyện tập thường xuyên.

Minh Anh