Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng; đại diện lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Bộ, ngành và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước. Tại Hội nghị, hai nhóm vấn đề được tập trung thảo luận là: những giải pháp kiềm chế sự gia tăng giá cả và công tác điều hành lãi suất.

*Kiểm soát trần lãi suất cho vay * Tha thiết đề nghị lãnh đạo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có chính sách kiểm soát trần lãi suất cho vay, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Ninh và Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Võ Duy Khương cho rằng: Trần lãi suất cho vay quá cao đang gây ra nhiều khó khăn cho việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại địa phương. Đã có hiện tượng một số doanh nghiệp gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng để lấy lãi chứ không vay vốn đề đầu tư sản xuất do tâm lý lo sợ kinh doanh thua lỗ vì lãi suất vay quá cao. Hậu quả có thể dẫn đến việc thiếu hụt hàng hóa trên thị trường và đẩy giá hàng hóa lên cao. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Phạm Huy Hùng cho biết, hiện Vietinbank đang đạt mức tăng trưởng tín dụng tương đối tốt. Thống kê Quý 1 của Vietinbank tăng trưởng huy động là 6,2%, cho vay là 8,2%. Ông Hùng cho rằng, việc thực hiện lãi suất thả nổi là điều tất yếu đối với hoạt động ngân hàng theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Để góp phần bình ổn thị trường tín dụng, Hiệp hội Ngân hàng đã nhóm họp và thống nhất cố gắng duy trì lãi suất huy động ở mức 12% và lãi suất cho vay ở mức 14%, ông Hùng cho biết. Đặc biệt, Vietinbank đang phối hợp với Bộ Công thương hòan tất đề án cho vay ưu đãi đặc biệt đối với hoạt động xuất khẩu của các ngành hàng chủ lực trong nước. Đối tượng vay theo đề án này có thể được ưu tiên áp dụng như mô hình cho vay hỗ trợ 4% lãi suất trước đây, nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, góp phần cân đối cán cân thanh toán quốc tế. Ông Phạm Huy Hùng cũng kiến nghị các doanh nghiệp, các đối tượng vay cần tính toán kỹ, cắt giảm triệt để nhu cầu sử dụng vốn đối với các dự án không hiệu quả, chưa cần thiết. Chính phủ nên nghiên cứu để xây dựng một quỹ bình ổn giá bằng sự đóng góp của các Tổng Công ty, các Tập đoàn kinh tế nhằm chủ động cân đối giá, tránh những tác động xấu từ bên ngoài, ông Hùng đề xuất. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, tính đến ngày 31/3 vừa qua, mức tăng trưởng tín dụng cả nước là 3,52%. Đây là tốc độ tăng trưởng tương đối tốt, ông Giàu đánh giá. Liên quan đến chủ trương áp dụng cho vay với lãi suất thỏa thuận của Chính phủ, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết: Ngân hàng Nhà nước đã cấp tốc xây dựng xong cơ chế áp dụng; đối tượng hưởng loại hình tín dụng này và sẽ ban hành ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về những giải pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010. *Xử lý nghiêm các hành vi tự ý nâng giá * Ý kiến của các địa phương cũng như đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương về công tác điều hành giá cả đều thống nhất cho rằng còn nhiều trở ngại trong việc kiểm tra, kiểm soát cũng như xử phạt bởi rất khó để có thể xác định mặt bằng giá đúng của sản phẩm trên thị trường. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề xuất cần đưa một số vụ cố tình nâng giá, bán giá cao theo kiểu “tát nước theo mưa” nhằm kiếm lời ra xử lý hình sự để làm gương. Thống nhất cao với các giải pháp của Chính phủ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTW MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim, cho rằng, đây là thời điểm cần thiết để toàn dân chia sẻ những khó khăn với Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn kịp thời lạm phát cao trở lại, đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% năm 2010 đã được Quốc hội thông qua. Chung tay cùng Chính phủ, một trong những giải pháp được MTTQ Việt Nam đẩy mạnh triển khai là Cuộc vận động ''Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'' trên phạm vi tòan quốc. Với tinh thần tất cả vì mục tiêu đảm bảo tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2010, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng yêu cầu thủ trưởng, người đứng đầu các địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty tập trung rà soát, tìm cách tháo gỡ khó khăn và thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động đã đề ra; tránh tư tưởng chủ quan hoặc bi quan, tập trung cho phát triển. Chủ động thông tin cho báo chí, đảm bảo thông tin chính xác, công khai, minh bạch trước nhân dân. Phó Thủ tướng cũng lưu ý lãnh đạo các địa phương có kế hoạch hoàn tất các vụ việc thi hành án còn tồn đọng (cả nước có 270.000 vụ, trong đó 86.000 vụ đã có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành) để góp phần kéo giảm lạm phát. *Tất cả vì mục tiêu tăng trưởng của đất nước * Kết luận Hội nghị, trên cơ sở thống nhất các giải pháp ngăn chặn lạm phát cao, bảo đảm tốc ổn định kinh tế vĩ mô và đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2010, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các địa phương, đơn vị cần chủ động lên kế hoạch, triển khai. Đặc biệt, cần làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong toàn dân, tham gia cùng Chính phủ trong việc đảm bảo sự phát triển của đất nước. Đây là yếu tố quyết định cho sự thành công của các giải pháp trên, Phó Thủ tướng khẳng định. Ngoài những giải pháp đã được bàn thảo, liên quan đến yếu tố giá cả, Phó Thủ tướng nêu rõ: Trong năm 2010, Chính phủ sẽ điều chỉnh mức thuế thích hợp để giảm biến động giá xăng theo thị trường, đảm bảo bình ổn tốt và không làm tăng giá. Giá than bán cho sản xuất điện không thay đổi; giá điện bán cho người dân và cho sản xuất tiêu dùng cũng không thay đổi. Cơ quan chức năng cần quản lý tốt việc đăng ký giá, kiểm soát giá, niêm yết giá của doanh nghiệp; không được chủ quan, tạo ra biến động giá- Phó Thủ tướng nói. Chính phủ cũng yêu cầu cơ quan chức năng tìm cách giảm lãi suất ngân hàng đến mức thị trường chấp nhận được. Cụ thể phấn đấu lãi suất huy động khoảng 8-9%; cho vay khoảng 11-12% thông qua các biện pháp điều hành nội, ngoại tệ linh hoạt. Đảm bảo ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm; sử dụng linh hoạt công cụ lãi suất ngân hàng để cung ứng lượng tiền cần thiết với một lãi suất thấp hơn nhằm kéo giảm lãi suất trên thị trường. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng chỉ đạo các ngành, địa phương cân đối cung cầu hàng hóa trên địa bàn và tòan quốc đi đôi với kiểm soát hệ thống phân phối hàng hóa một cách phù hợp với đặc điểm của mỗi địa phương. Các địa phương cần phấn đấu tăng thu ngân sách tối thiểu 10%. Theo dõi, nắm bắt, kiểm soát và đảm bảo an tòan tuyệt đối các thị trường: Chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, nghiêm trị những hành vi tự ý nâng giá “tát nước theo mưa”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Phó Thủ tướng chỉ đạo, thực hiện tiết kiệm trên phạm vi toàn quốc, hạn chế các chương trình, dự án kém hiệu quả; triển khai tốt Cuộc vận động động ''Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam''. Các dự án, công trình công cần triệt để ưu tiên dùng hàng sản xuất trong nước, Phó Thủ tướng lưu ý. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đề nghị lãnh đạo các địa phương, Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước kết hợp chặt chẽ với khối Mặt trận các cấp, tổ chức thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân, các thành phần kinh tế thực hiện có hiệu quả các giải pháp của Chính phủ với trọng tâm là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2010. Theo TTXVN

A Hoàng