Tỉnh Đồng Tháp là vựa lúa lớn thứ ba của cả nước (sau An Giang và Long An). Xét về địa thế, Đồng Tháp gặp bất lợi vì hơn 2/3 diện tích nằm ở vùng trũng Đồng Tháp Mười, ruộng vườn bị chua phèn, ngập úng, chỉ canh tác trong 6 tháng mùa khô, mùa mưa lũ lụt thường phá hoại mùa màng, nhà cửa. Tuy vậy, đảng bộ và nhân dân Đồng Tháp đã lao động cần cù, sáng tạo “Tiến công vào Đồng Tháp Mười”, biến vùng đất hoang vu “lung phèn, nắng lửa, mưa lầy” thành vùng đất màu mỡ với những đồng lúa trĩu bông thẳng cánh cò bay.
Bước vào thời kỳ CNH, HĐH, Đồng Tháp đã đẩy mạnh chuyển giao KHKT và tăng cường cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, từ năm 2004 đến nay, nhân dân đã cải tạo hơn 400.000 ha đất trồng lúa 2 vụ ăn chắc, đạt sản lượng trên 2,4 triệu tấn thóc/năm, không những đảm bảo lương thực cho mọi nhà mà còn cung cấp cho cả nước và xuất khẩu. Nhân dân còn nuôi cá ao hầm, tôm càng xanh, mỗi năm thu hoạch hơn 115.000 tấn và trồng các loại cây đặc sản như: xoài cát Hòa Lộc, quýt hồng Lai Vung, sen Tháp Mười, Cao Lãnh, khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Trong giai đoạn từ 2001-2008, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 5.057 tỷ đồng lên 9.458 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu hiện nay với hai mặt hàng chủ yếu là hạt lúa và con cá đạt gần 200 triệu USD.
Với quyết tâm tạo bước đột phá trong tiến trình CNH, HĐH những năm qua các ngành công nghiệp chủ lực như chế biến lương thực, thủy sản, thức ăn tôm cá, sản xuất dược phẩm, vật liệu xây dựng đều duy trì tốc độ phát triển nhanh. Tỉnh đã quy hoạch đầu tư xây dựng 3 khu công nghiệp (KCN) tập trung và 30 cụm công nghiệp ở các huyện, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động; trong đó KCN ở thị xã Sa Đéc diện tích 180 ha, có cảng tiếp nhận tàu 5.000 tấn; đến nay đã có 30 dự án hoạt động; KCN Trần Quốc Toản ở TP Cao Lãnh rộng 180 ha, đã có 2 dự án đầu tư; KCN Sông Hậu ở Lai Vung rộng 300 ha, đã có 6 dự án đầu tư. Đến nay các khu, cụm công nghiệp đã thu hút gần 100 dự án khả thi với nhiều nhà máy quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến. Tỉnh còn khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN), các làng nghề truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao. Năm 2008 giá trị sản xuất công nghiệp, TTCN đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần năm 2001. Thương mại - dịch vụ có bước phát triển mới, nhất là mở mang chợ nông thôn và bưu chính - viễn thông, tài chính - ngân hàng đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Tỉnh đang đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng, tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển mang đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười, trong đó có những địa chỉ nổi tiếng như Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở TP Cao Lãnh, Khu căn cứ của Tỉnh uỷ ở Xẻo Quýt trong cuộc chiến tranh giải phóng tổ quốc, vườn quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông...
Với sự nỗ lực phấn đấu của đảng bộ và nhân dân, tỉnh Đồng Tháp đã biến vùng đất nghèo khó trở nên giàu có; kinh tế tăng trưởng liên tục với nhịp độ cao, từ năm 2005 đến nay đạt bình quân 13,27%/năm, GDP năm 2008 đạt khoảng 9.700 tỷ đồng (tăng gấp 2,5 lần năm 2001), tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 9%, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Đó là nền tảng để kinh tế - xã hội Đồng Tháp tăng tốc trong thời kỳ hội nhập, phấn đấu xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh.
Thiên Vân